'Lợi thế trời ban' Thụy Điển mang tới cho NATO khi gia nhập
'Lợi thế trời ban' Thụy Điển mang tới cho NATO khi gia nhập
Thụy Điển gia nhập mang lại lợi thế lớn về địa chính trị cho NATO, giúp liên minh vây gần như kín biển Baltic, nơi Nga đặt cảng nhà Hạm đội Baltic.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 7/3 bàn giao văn kiện gia nhập NATO cho chính phủ Mỹ, hoàn tất quy trình để trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự. Lễ thượng cờ Thụy Điển tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ dự kiến diễn ra ngày 11/3.
"Thụy Điển hôm nay an toàn hơn hôm qua. Chúng ta đã có đồng minh. Chúng ta có sự hậu thuẫn", ông Kristersson cho biết trong bài phát biểu gửi người dân từ Washington. "Chúng ta đã nhận được sự đảm bảo từ liên minh quốc phòng phương Tây".
Ở chiều ngược lại, Thụy Điển cũng không gia nhập NATO với "hai bàn tay trắng". Sự góp mặt của Thụy Điển, quốc gia có nền quốc phòng hùng mạnh cùng vị trí địa lý có nhiều "lợi thế trời ban" có thể giúp NATO giải bài toán về cách liên minh ứng phó trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.
"Kết nạp Thụy Điển giúp NATO mạnh hơn, Thụy Điển an toàn hơn, cả liên minh an toàn hơn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Với việc kết nạp Thụy Điển, NATO giờ đây đã vây kín gần như toàn bộ Biển Baltic. Nga giờ đây chỉ có thể tiếp cận vùng biển chiến lược này từ thành phố St. Petersburg qua cửa ngõ hẹp ở Vịnh Phần Lan, cũng như khu vực giáp vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.
Vị trí Thụy Điển và đảo Gotland. Đồ họa: Foreign Policy
"Biển Baltic giờ đây đã trở thành 'hồ NATO'", Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins, một trong những ứng viên kế nhiệm ông Stoltenberg, nói.
Nga có nhiều lợi ích kinh tế và quân sự ở biển Baltic. Thành phố St. Petersburg là nơi đặt nhiều cơ sở lọc dầu và là cửa ngõ để Nga xuất khẩu sản phẩm qua Vịnh Phần Lan. Hạm đội Baltic có trụ sở và cảng nhà ở Kaliningrad, cùng một căn cứ ở St. Petersburg, tất cả giờ đây đều có nguy cơ nằm trong vòng kiềm tỏa của NATO.
Cùng với sức mạnh hải quân và không quân, vị trí địa lý của Thụy Điển còn giúp NATO đối phó bất kỳ động thái tấn công nào của Nga, dù là ở các nước Baltic, dọc biên giới với Phần Lan hay Bắc Cực, một quan chức NATO cấp cao am hiểu kế hoạch quốc phòng của liên minh, nói.
Hệ thống đường bộ và đường sắt của Thụy Điển được coi là tuyến đường nhanh nhất để di chuyển trên bán đảo Scandinavia. Nhóm nước Baltic, gồm Estonia, Latvia và Litva, từ lâu được coi là "gót chân Achilles của NATO", giờ đây có thể nhận được hỗ trợ ngay lập tức từ Phần Lan và Thụy Điển nếu bị tấn công, thay vì phụ thuộc vào Hành lang Suwalki giữa Ba Lan và Litva.
Đảo Gotland của Thụy Điển cũng giúp NATO củng cố vị thế tại khu vực, kiểm soát tốt hơn các tuyến hàng không và hàng hải. Gotland, rộng hơn 3.100 km2, thường được ví như một "tàu sân bay không thể chìm" và cách Latvia khoảng 200 km.
Chiến đấu cơ JAS 39 Gripen E của Thụy Điển bay qua đảo Gotland ngày 11/5/2022. Ảnh: Reuters
Hiện NATO chưa có kế hoạch đưa binh sĩ đến đồn trú tại Thụy Điển, nhưng vấn đề này sẽ được thảo luận, theo quan chức của khối.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo kế hoạch tái cơ cấu quân đội Nga và củng cố lực lượng ở sườn tây nước này nhằm "vô hiệu hóa" các mối đe dọa từ việc NATO kết nạp Phần Lan, Thụy Điển. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước cảnh báo Nga sẽ đáp trả tương xứng với những mối đe dọa có thể hiện hữu trên lãnh thổ Phần Lan và Thụy Điển.
Giới phân tích cũng cảnh báo Nga vẫn có thể tạo ra nguy cơ từ vùng lãnh thổ Kaliningrad, nơi Moskva đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân.
"Nếu nhìn trên bản đồ thì đúng, về mặt địa lý, Biển Baltic đã trở thành 'hồ NATO'", Minna Alander, nhà nghiên cứu tại Viện Phần Lan về Các vấn đề Quốc tế, nói. "Nhưng NATO vẫn còn nhiều việc phải làm".
Giáo sư John Deni, giảng viên trường quân sự Lục quân Mỹ, cho rằng liên minh NATO nên từ bỏ quan điểm cho rằng Biển Baltic là "của riêng" sau khi kết nạp Thụy Điển. "Gọi Biển Baltic là 'hồ NATO' sẽ dẫn đến sự tự mãn", Deni cảnh báo.
Julian Pawlak, nhà nghiên cứu tại Đại học Quân đội Đức, thành phố Hamburg, cũng cho rằng những lợi thế về địa lý, tiềm lực quốc phòng của Thụy Điển cũng không thể giúp NATO kiểm soát hoàn toàn mọi thứ diễn ra trên khu vực rộng lớn như Biển Baltic.
"Kiểm soát vùng biển rộng lớn như vậy là điều rất khó thực hiện, nếu so với lãnh thổ trên đất liền", Pawlak nói. "Vụ đường ống Nord Stream bị phá hoại cho thấy chúng ta rất khó xác định chuyện gì xảy ra ở dưới mặt nước cũng như đáy biển".
Như Tâm (Theo Politico, AFP, FT)
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét