La de trái thơm!

La de trái thơm!
Tranh Bảo Huân
Đoàn Xuân Thu

Bến là chỗ từ bờ de ra ngoài sông cho tàu bè, ghe thuyền đậu; để cho hành khách lên xuống hoặc bốc dỡ hàng hóa. Từ bến tàu bà con mình có bến xe trên bờ. Từ đò trên sông bà con mình có xe đò trên bờ.

Ðất Miền Tây có rất nhiều nhà dựa mé sông. Trước cửa nhà có cái bến nhỏ, là thân cây dừa có khấc, để khỏi trợt té, de ra sông, cắm dầm xuống sình, buộc sẵn chiếc xuồng ba lá.

Ðịa danh Bến Lức là bến có nhiều cây lứt. Theo Ðại Nam quốc âm tự vị (1895) của ông Huỳnh Tịnh Của: Lứt là cây lá nhỏ, thường mọc dọc mé biển. Còn cây lứt của Bến Lức là lứt sông, lứt bụi, lứt cây. Nó khác với lứt dây ở ven biển, trên các bờ kinh rạch, cửa sông của ông Huỳnh Tịnh Của.

Dân Miền Nam phát âm ‘lứt’ và ‘lức’ như nhau nên cha nội nào đó ghi địa danh Bến Lứt ra thành Bến Lức.

Hồi xưa, từ thủ đô Sài Gòn về Miền Tây, chạy trên Quốc lộ 4, qua cầu Bình Ðiền, Chợ Ðệm mình đụng Cầu Bến Lức. Cầu Bến Lức bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông dài 530 mét, bề rộng chỉ 10 m, một làn xe hơi (và xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho) chỉ cho chạy một chiều. Xe hơi phải đợi khoảng 15 phút, một chú lính Ðịa phương quân ngồi chong ngóc trên chuồng cu xoay bảng cấm. Xe không được hửi đít nhau phải giữ khoảng cách ít nhứt 15 mét, tuần tự chạy qua cầu.

Suốt đường từ thủ đô Sài Gòn hoa lệ về Miền Tây phì nhiêu có những chỗ xe đò phải dừng lại để lơ đổ nước làm mát máy; hoặc chờ qua cầu, qua Bắc. Mấy chỗ đó đều có bán trái cây đặc biệt của vùng đó. Trung Lương, Mỹ Tho bán mận hồng đào sọc giòn, ngọt. Bắc Mỹ Thuận bán xoài cát Hòa Lộc, ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Bắc Mỹ Thuận cũng có bán ổi xá lị giòn cắn nghe rốp rốp. Bắc Bình Minh tỉnh Vĩnh Long bán bắp trái luộc còn bốc khói.

Trong lúc xe đò sắp hàng chờ qua cầu Bến Lức, con gái quê bán khóm trái cho má mua về cho sắp nhỏ hoặc khóm cắt miếng vàng ươm cho má ăn với muối ớt gói trong miếng lá chuối tươi. Chảy nước miếng hè! Nhưng ăn nhiều thì bị tưa lưỡi.

(Chữ ‘tưa’ nầy, ông Tô Thùy Yên dùng hay lắm trong bài thơ Trường Sa hành:
        “Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!
        Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
        Lính thú mươi người lạ sóng nước.
        Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
        Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi.
        Khiến cả lòng ta cũng rách tưa…)

Khóm Bến Lức nổi tiếng, vang danh thiên hạ. Người Bắc không phân biệt được thơm, khóm khác nhau, họ gọi chung là trái dứa. Còn người miền Tây phân biệt rõ ràng trái khóm khác trái thơm.

1. Khóm: lá có nhiều gai, trái nhỏ, chưa tới 1 ký, thịt vàng đậm, ngọt đậm đà.
2. Thơm: lá không có gai, trái bự, có trái trên 3 ký, mắt thưa, hố mắt cạn, thịt hơi vàng, vị ngọt thanh hơi chua và mọng (nhiều) nước hơn khóm.



Nhớ năm 1975, người em sầu mộng bán quán nhậu ở nhà lồng chợ quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên, Sóc Trăng cảm thương chàng dạy giáo nhưng tánh nghệ sĩ lăn lóc gió sương, ba ngày đêm nổi lên sình chương, nên tiễn hành anh (mất dạy) trở lại Cần Thơ; em thết đãi: Khô cá sặc rằn, xoài thanh ca. Rắc chút đường, thêm vài lát ớt; em yêu còn làm thêm món phèo non xào khóm cho mau mềm.

Em cho tui uống la de trái thơm, quán em bán còn sót lại, để tiễn tui về quê cũ mà em linh cảm lần nầy là vĩnh quyết, không bao giờ còn có dịp mà gặp lại anh yêu.

Nhắc tới la de trái thơm làm tui nhớ tới cái hãng BGI (Brasseries, Glacières d’Indochine), (Nhà máy bia, nước đá Ðông Dương). La de tiếng Pháp là Bière Larue. La de trái thơm, la de thường, la de Quân Tiếp Vụ. La de thường, la de Con Cọp vì chai có cái đầu con cọp màu vàng, chai lớn 660 ml. La de 33, thơm hơn, độ rượu cao hơn, uống đậm đà hơn, tên thường gọi là Bia Băm Ba, nhãn hiệu là Bière 33 Export, chai nhỏ bằng phân nửa chai lớn.

Theo ông Phan Văn Song, Chánh sở Tiếp thị (Chef du Service Marketing) của hãng BGI, cạnh sân vận động Cộng Hòa, đường Trần Hoàng Quân quận 5, Chợ Lớn, năm 1973, trên nhãn cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai chùm hoa houblons thêm cái vị đắng cho bia.

Nhưng ông họa sĩ chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon. Nghe thiên hạ nói houblon giống hình trái thơm nên ổng coi hình trái thơm vẽ đại theo. Rồi làm ‘décalques’ (đề can) đưa qua Công ty Thủy tinh Việt Nam (Khánh Hội) in vào 100 ngàn chai mới. In xong, mấy lão kỹ sư Tây mũi lõ cười hô hố, chọc quê: “Houblon sao giống trái thơm vậy mấy cha?!” Hổng lẽ vẽ lại, in lại lỗ thấy tía.

Mấy Chú Ba nhân lỗi lầm của người khác chụp cơ hội phao tin đồn thất thiệt là: la de trái thơm ngon hảo hạng, ngon đặc biệt, một két chỉ có một chai. Cũng như nghe lời xúi bậy của mấy Chú Ba Chợ Lớn, làm giàu bằng cách nuôi chim cút, bà con mình, ngay cả dân nhậu chánh tông, sáng xỉn chiều say, tối ôm chai mà ngủ cũng tin rầm rầm: “La de trái thơm ngon nhứt, xong đến la de Con Cọp và hạng chót là la de Quân Tiếp Vụ bán cho lính uống (?!)

Sau nầy thời thế đổi thay, làm thân lưu lạc, trôi dạt đến cái đất Melbourne nầy đây, tui đã và đang uống biết bao nhiêu loại bia. Xưa tía tui tin lời Chú Ba xạo ke la de trái thơm là ngon nhứt; giờ tui tin Úc Kangaroo nói: “Uống bia Úc khỏi bị trầm cảm, mồi bò bít tết (beef steak) dễ tiêu!”

Úc đánh trống thổi kèn lung tung xèng: “Victoria Bitter, VB, ‘Vitamin B’ (sinh tố ‘Very Best’ (ngon nhứt) và ‘Victory Beer’ (Ăn trùm thiên hạ)”.

Còn Mít mình VB là ‘Vợ Bỏ’. Vì VB ngon quá, cứ ôm chai hoài mà không chịu ôm em; nên em yêu bỏ cho tối lạnh ngủ một mình cho biết thân trong Mùa Ðông rét cắt da xứ Úc.

Huyền thoại la de trái thơm không có thiệt làm tui nhớ ba tui!

Melbourne.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180