Sự tối quan trọng của yếu tố “Viễn Kiến” trong một cuộc cách mạng
Sự tối quan trọng của yếu tố “Viễn Kiến”
trong một cuộc cách mạng
Tiết Trực Tâm Hư - Thơ Lê Nam |
Luật Sư Ðào Tăng Dực
Việt Nam và Trung Quốc sẽ là những nước dân chủ. Vấn đề không phải là sẽ dân chủ hay không, mà vấn đề là vào thời điểm nào. Chính các người Cộng Sản tại hai quốc gia này cũng phải công nhận tính bất khả vãn hồi của tiến trình dân chủ hóa đó. Cũng chính cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, trong một cuộc phỏng vấn của Chương Trình GPS trên CNN, ngày 23 tháng 8, 2009, đã nhắc đến xác xuất hình thành của một nền dân chủ lưỡng đảng tại Trung Quốc trong 25 năm. Trong khi đó tại Việt Nam, vào cùng thời điểm, cựu thủ tướng CSVN là Nguyễn Tấn Dũng thì chỉ im lặng nắm quyền và không có quan điểm nào cả. Ðiều này nói lên khoảng cách rất xa giữa phẩm chất của người nắm quyền CSVN và CSTQ, nhất là tính thiếu viễn kiến trầm trọng của giới lãnh đạo CSVN như sẽ trình bày sau.
Dĩ nhiên 25 năm là một thời điểm xa vời và chỉ có
thể là giấc mơ kéo dài quyền lực của những lãnh tụ độc tài Trung Quốc. Dân tộc
Trung Hoa sẽ không nhẫn nại như họ mong muốn. Tiến trình “tự diễn biến, tự
chuyển hóa” trong hang ngũ đảng và những biến động cách mạng lật đổ các chế độ
độc tài đương nhiên sẽ xảy ra tại Trung Quốc và Việt Nam, vì các dân tộc này kỳ
vọng và xứng đáng được những quyền tự do căn bản mà phần lớn nhân loại đang
hưởng thụ.
Mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm góp phần vào
cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước đó.
Ðể ý thức rõ hơn về trách nhiệm cao quý này của
toàn dân, chúng ta phải hiểu danh từ “cách mạng” có nghĩa là gì?
Trên phương diện chính trị, cách mạng có nghĩa là
thay đổi một trật tự xã hội này bằng một trật tự xã hội khác. Hàm chứa trong
trật tự xã hội mới là một luồng tư tưởng chỉ đạo khắc chế trật tự xã hội bị
thay thế. Thông thường đây là một sự thay đổi có tính đột biến và đổ máu. Tuy
nhiên đổ máu không nhất thiết phải xảy ra. Các cuộc cách mạng lật đổ các chế độ
Cộng Sản tại Ðông Âu và Liên Bang Xô Viết đã kết thúc trong tinh thần bất bạo
động.
Vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc chuyển mình
trở thành những chế độ dân chủ đa đảng thật sự, thì sự chuyển mình này có thể
được nghiêm chỉnh định nghĩa như là một cuộc cách mạng và xác xuất mang tính
bất bạo động rất cao.
Trong quá khứ, hai chữ “cách mạng” được xử dụng
trong ý nghĩa tích cực, vì những người muốn thay đổi một trật tự xã hội hiện
hành luôn luôn hy vọng trật tự xã hội mới, mà mình cưu mang, sẽ đem lại một
tương lai tươi đẹp hơn cho dân tộc họ.
Tuy nhiên lịch sử chứng minh rằng thực tế không
phải luôn luôn như thế.
Thực tế, trái lại, cho thấy mọi cuộc
cách mạng dù tiến bộ và tích cực đến đâu, đều có khuyết điểm và cần phải tu
chính thêm. Hơn nữa có những cuộc cách mạng không những hoàn toàn vắng bóng
những yếu tố tích cực, mà còn mang lại tại họa cho dân tộc xuyên qua nhiều thế
hệ. Ðiển hình là các cuộc cách mạng Cộng Sản và Hồi Giáo cực đoan mà chúng ta
sẽ phân tách trong bài này.
Chúng ta cũng sẽ phân tách tầm mức quan trọng chiến
lược của yếu tố viễn kiến trong nhận thức của những người lãnh đạo. Yếu tố viễn
kiến giữ một vai trò tối quan trọng, giúp chúng ta phân biệt giữa một cuộc cách
mạng có tính tiến bộ và một cuộc cách mạng mang tính phản tiến bộ, gây tai họa
cho một dân tộc và đôi khi cả nhân lọai.
Thế nào là yếu tố viễn kiến trong cách mạng?
Một cách vắn tắc, trên phương diện tiêu cực, viễn
kiến trong cách mạng là khả năng đo lường và khống chế những tác hại từ tính đột biến của cách mạng, khi thay đổi một
trật tự xã hội này bằng một trật tự xã hội khác. Trên phương diện tích cực,
viễn kiến là khả năng nuôi dưỡng lâu dài những phúc lợi cho dân tộc qua thành
quả của cuộc cách mạng.
Như vậy viễn kiến sẽ có những đường nét sau đây:
1. Có lý tưởng tích cực hướng về một tương lai sáng
lạng hơn cho dân tộc hoặc nhân loại.
2. Ý thức một cách sâu sắc rằng một cuộc cách mạng
hướng về tương lai, không thể đoạn tuyệt với quá khứ của một dân tộc. Trái lại
phải tích cực tiếp nối quá khứ đó.
3. Tính tích cực của một cuộc cách mạng không nhất
thiết là phản đề của yếu tố ôn hòa bất bạo động.
4. Một tổ chức cách mạng nghiêm chỉnh phải tạo cho
mình khả năng khống chế những thành phần quá khích và ý thức hệ giáo điều.
5. Một tổ chức cách mạng trưởng thành phải bao gồm
trong cấu trúc của mình một cơ chế đủ mạnh để dẹp tan mọi khuynh hướng thể chế
hóa phương tiện (institutionalisation des moyens) hiểu theo nghĩa của tư
tưởng gia người Pháp Bertrand De Jouvenel (1903-1987) như sẽ giải thích sau.
Khi đáng giá những cuộc cách mạng và những nhân vật
lãnh đạo, chúng ta cần phải nhìn bản chất của các cuộc cách mạng và hậu quả lâu
dài trên tiền đồ của đất nước. Sự thành công hay thất bại vào thời điểm của
cuộc cách mạng bùng nổ không phải là yếu tố quyết định.
1. Magna Carta năm 1215:
Khi chúng ta nhìn lại lịch sử của các cuộc cách
mạng đem lại các quyền tự do chính trị hiện nay cho lòai người, thì không có
biến cố nào quan trọng bằng cuộc cách mạng năm 1215 tại Anh Quốc khi các nhà
quý tộc (barons) tại nước này liên kết với những “người tự do” (freemen) vốn là
những thường dân được đặc quyền sống trong các thành phố. Liên minh này buộc
vua John của Anh Quốc ký một văn kiện lịch sử gọi là Magna Carta (Great Charter
of Liberties). Văn kiện này là tiền thân của English Bill of Rights 1689,
American Bill of Rights và Canadian Bill of Rights. Magna Carta (chỉ áp dụng
cho những freemen) công nhận một số nhân quyền chính đáng, xác nhận vương quyền
không thể đứng trên luật pháp và quyền được kháng cáo để pháp luật duyệt xét
khi một người bị bắt giam (habea corpus). (Xem Wikipedia: Magna Carta) Tuy cuộc
cách mạng Magna Carta, so với bối cảnh chính trị ngày hôm nay, có tính thô sơ,
đơn giản và không ngó ngàn đến vận mệnh của đại đa số người dân Anh Quốc thời
bây giờ tiếp tục cuộc sống của những nông nô. Tuy nhiên vào thời điểm đó tính
cách mạng của nó không thể chối bỏ.
Ở một mức độ nào đó thì ngày hôm nay, toàn dân Việt
Nam vẫn chưa đạt đến những quyền căn bản mà những freemen tại Anh Quốc đạt được
vào thế kỷ 13: tại Việt Nam, vào thế kỷ 21 qua điều 4 hiến pháp, Ðảng CSVN vẫn
đứng trên và ngoài luật pháp và người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền habea
corpus như ghi nhận trong Magna Carta.
Sau khi Magna Carta được ký kết, văn kiện này có
một định mệnh nổi trôi xuyên qua lịch sử lâu dài của Anh Quốc. Khi thì được tôn
trọng. Khi thì vương quyền lấn lướt và vứt vào sọt rác của thời đại. Khi thì
được nâng niu, trùng tu và ca tụng. Tuy nhiên, cùng với sự tranh đấu không
ngừng của toàn dân, qua văn kiện lịch sử này, vào cuối thế kỷ 19, Anh Quốc đã
có một nền dân chủ rất tiến bộ so với nước Pháp dưới triều vua Louis 16.
Các nền dân chủ tại Anh Quốc và Hoa Kỳ là những
nguồn cảm hứng của nhiều nhà lãnh đạo cuộc cách mạng Pháp năm 1789 như chúng ta
sẽ thảo luận sau. Dĩ nhiên trước đó, cuộc cách mạng Hoa Kỳ thành công được là
vì đã được dân tộc Pháp tài trợ về vũ khí và ngân lượng. Ðồng thời, đồng thời những nhà cách mạng Hoa Kỳ cũng đã sử dụng những tư tưởng vô cùng tiến
bộ và sâu sắc của các lỳ thuyết gia chính trị người Pháp.
2. Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ
ngày 4 tháng 7 năm 1776:
Tinh thần của cuộc cách mạng Hoa Kỳ năm 1776 được
diễn tả trọn vẹn qua câu văn bất hủ sau đây trong bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa
Kỳ:
“ Chúng tôi khẳng định những sự thật hiển nhiên
rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng tạo hóa ban cho họ những quyền bất
khả vi phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu tìm hạnh phúc.”
Ðây là đoạn văn được nhắc nhở đến nhiều nhất trong
lịch sư chính trị cận kim. Thomas Jefferson là tác gỉa của Tuyên Ngôn Ðộc Lập
và của đoạn văn này. Tuy bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập không phải là hiến pháp của Hoa
Kỳ nhưng nó quan trong đến mức độ nhiều luật gia nổi tiếng, trong đó có Cụu
Tổng Thống Abraham Lincoln cho rằng, mọi sự diễn giải hiến pháp đều phải dựa
vào tinh thần của bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập này.
Cuộc cách mạng Hoa Kỳ xảy ra vì 13 tiểu bang đầu
tiên không chấp nhận sự kiện họ phải tiếp tục đóng thuế cho chính quyền vương
triều Anh Quốc, mà không được quyền bầu người đại diện cho mình vào quốc hội
Anh Quốc. Phương châm của cuộc cách mạng này đơn giản là:
Không đóng thuế nếu không có người đại diện (No
taxation without representation).
Vương quyền Anh Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc
chiến tranh cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ xảy ra dưới sự lãnh đạo của
Tướng George Washington và sự viện trợ võ khí cũng như tài chánh hùng hậu của
Pháp Quốc, vốn là đối thủ của Anh Quốc từ nhiều thế kỷ.
Ngày 17 Tháng 9 năm 1787, Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được
chính thức công bố. Có thể nói rằng, cuộc cách mạng Hoa Kỳ bắt đầu năm 1776
nhưng hoàn tất 11 năm sau đó. James Madison, Thomas Jefferson, John Jay,
Benjamin Franklin và Alexander Hamilton đã đóng góp trí tuệ của mình để hoàn
thành văn bản lịch sử này. Ngoài việc là những nhà cách mạng, họ còn là những
tư tưởng gia sâu sắc và chịu ảnh hưởng nhiều của các tư tưởng gia Âu Châu trước
đó như Montesquieu (1689-1755) với quan điểm Tam Quyền Phân Lập (Separation of
Powers) và John Locke (1632-1704) với quan điểm Pháp Trị (Rule of Law hoặc Due
Process).
Cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã là nguồn cảm hứng cho
nhiều cuộc cách mạng lẫn cải cách chính trị tiếp theo trên khắp thế giới. Tuy
nhiên cuộc cách mạng này, lẫn hiến pháp của Hoa Kỳ vẫn còn nhiều khuyết điểm và
tạo ra nhiều bất công.
Các điều này đã được phân tích trong bài: “Những
Khuyết Ðiểm của Nền Dân Chủ Hoa Kỳ” cùng một tác gỉa. Nơi đây, chúng ta chỉ
nhắc đến 2 khuyết điểm trọng đại nhất và sẽ bàn luận nhiều hơn vào cuối bài
tham luận này:
Trước hết cuộc cách mạng Hoa Kỳ căn bản không
phải là một cuộc nổi dậy của toàn dân chống lại vương quyền. Ðây là một cuộc
nổi dậy của giới địa chủ (landed gentry) chống lại chính sách thuế khóa của
vương quyền mà họ cho là bất công. Chính vì thế hiến pháp Hoa Kỳ cho đến bây
giờ vẫn ghi nhận “electoral college votes” như là những lá phiếu quyết định
trong việc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, không phải là lá phiếu trực tiếp của người
dân. Các cha đẻ của hiến pháp Hoa Kỳ phần lớn, nếu không nói là tất cả xuất thân
từ giới địa chủ. Vào thời điểm đó của lịch sử, giai cấp của họ đương nhiên trở
thành những electors nắm giữ electoral college votes.
Tiếp theo đó, bất công thứ nhì là số phận và quyền
lợi của những người nô lệ da đen không hề được công nhận trong hiến pháp.
Mãi đến giai đoạn chiến tranh Nam Bắc, Tổng Thống
Abraham Lincoln (1809-1865) mới hoàn tất việc giải phóng những người nô lệ da
đen. Có thể nói rằng công trình vĩ đại này của Abraham Lincoln là một sự trùng
tu không thể thiếu cho cuộc cách mạng Hoa Kỳ.
Nếu không có công cuộc giải
phóng nô lệ này thì nền dân chủ Hoa Kỳ, từ lâu, đã mất đi lẽ sống và hấp lực
của nó.
3. Cuộc cách mạng Pháp 14 tháng
7 Năm 1789:
Pháp là quê hương của những tư tưởng gia chính trị
lừng danh của thời Ánh Sáng tại Tây Âu như Montesquieu, Jean Jacques Rousseau,
Voltaire. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 18, nước Pháp lại có một chế độ vương
quyền, phong kiến lạc hậu và đầy rẫy bất công, so với Anh Quốc phía bắc và Hoa
Kỳ bên kia bờ Ðại Tây Dương. Thêm vào đó ngân sách quốc gia bị thâm thủng nặng
nề vì sự hoan phí của triều đình vua Louis 16, và những sự viện trợ rộng rãi
cho các tiểu bang Hoa Kỳ chống lại Ðế Quốc Anh. Dân chúng Pháp mọi tầng lớp đều
phẫn uất vì sự liên kết giữa Hoàng Tộc, giáo hội Công Giáo (vốn sở hữu nhiều
đất đai) và giới quý tộc để bóc lột dân đen.
Dân chúng nổi loạn và khẩu hiệu tiêu biểu của cuộc
cách mạng Pháp là:
Tự Do, Công Bằng và Hữu nghị (Liberté, Egalité et
Fraternité).
Tuy nhiên nếu ta duyệt xét văn kiện tinh thần của
cuộc cách mạng này, chúng ta sẽ thấy những gía trị sâu sắc vượt lên trên tính
căm thù giai cấp của nó.
Thực vậy, Bản Tuyên ngôn về nhân quyền và các quyền
công dân ngày 26 tháng 8 năm 1789 (Declaration des droits de l’homme et du
citoyen) gồm 17 điều khoảng bao gồm các quan điểm căn bản được tác gỉa tóm lược
như sau:
1. Quyền tự do và bình đẳng.
2. Quyền lập hội chính trị, tư hữu, sự an toàn,
chống lại áp bức.
3. Quyền lực tối thượng nằm nơi quốc dân.
4. Tự do là một quyền tự nhiên. Chỉ có luật pháp
chính đáng mới giới hạn được.
5. Luật pháp có giới hạn của nó. Con người có quyền
làm những điều luật pháp không ngăn cấm.
6. Luật pháp phát xuất từ dân ý. Mọi người đều có
quyền giữ các chức vụ chính quyền theo khả năng.
7. Không ai có thể bị bắt hoặc giam cầm trái luật.
8. Hình phạt chỉ áp dụng khi cần thiết và luật pháp
không áp dụng hồi tố.
9. Mọi người đều được gỉả định vô tội trước khi bị
kết án.
10. Tự do tư duy.
11. Tự do trao đổi quan điểm.
12. Công quyền mục đích phục vụ cho toàn dân, không
phải cho kẻ nắm quyền.
13. Ðóng thuế tùy theo khả năng trả thuế.
14. Nhu cầu thu thuế phải được chứng minh.
15. Mọi công cụ chính quyền phải chịu trách nhiên
trước xã hội.
16. Bất cứ xã hội nào cũng phải bảo đảm các quyền
nêu trên và áp dụng nguyên tắc phân quyền.
17. Tài sản là quyền tối thượng, chỉ có thể bị thu
hồi nếu được bồi thường công bằng và trước khi tịch thu.
Cuộc cách mạng Pháp là một cuộc cách mạng đẫm máu.
Số người chết khoảng 170.000 đến 250.000 tức 1% dân số vào thời điểm đó. Nếu dân
số nước Pháp bây giờ là trên 68 triệu thì con số người chết tương tự sẽ là trên
680,000 người.
Mặc dầu cuộc cách mạng Pháp thất bại và bị đế quyền
Nã Phá Luận (Napoleon) thanh tóan. Tuy nhiên những lý tưởng đầy viễn kiến của
nó vẫn được nuôi dưỡng trong lòng những sĩ quan Pháp trẻ tuổi trong đoàn quân
viễn chinh của Nã phá Luân lan tràn khắp Âu Châu. Thêm vào đó, cuộc cách mạng
này đi xa hơn cuộc cách mạng Hoa Kỳ trên 3 phương diện:
a. Quan điểm phân biệt giữa giáo quyền và thế quyền
(church and state) nguyên thủy phát xuất từ triết gia Anh Quốc là John Locke.
Tuy nhiên cuộc cách mạng Pháp là một đường gươm dứt khoát phân chia ranh giới
giữa giáo quyền và thế quyền một cách triệt để. Quan điểm này của John Locke
cũng được đưa vào hiến pháp Hoa Kỳ qua điều tu chính thứ nhất (First amendment)
vào năm cuối của cuộc cách mạng Pháp, và được thông qua hai năm sau đó (1791).
Ðây là một bước đi cần thiết và đầy viễn kiến của cách mạng Pháp, không những
đối với những quốc gia Tây Phương thời bấy giờ (khi Giáo Hội La Mã sở hữu nhiều
đất đai và không ngần ngại xen lấn vào chính trị) nhưng cũng là một kinh nghiệm
lịch sử các quốc gia Hồi Giáo cần phải học hỏi trong tương lai, trên con đường
xây dựng dân chủ và hòa bình thế giới.
b. Nó đánh dấu sự vùng dậy của giai cấp thứ 3 là giới
bình dân (Tiers Etat), lật đổ giai cấp thứ nhất là giáo hội (Premier Etat) và
giai cấp thứ nhì là quý tộc (Deuxieme Etat), cũng như vương quyền (đứng trên và
ngoài các giai cấp): Ngay trong những năm đầu của cuộc cách mạng, giai cấp dân
nghèo (sans culottes) đã đóng góp tích cực. Trên phương diện đấu tranh, tính
cách mạng của nó cao hơn cuộc cách mạng Hoa Kỳ.
c. Cũng vì yếu tính phát xuất từ quyền lợi của giai
cấp thấp nhất trong xã hội mà cuộc cách mạng Pháp trở thành nền tảng của những
chế độ dân chủ đa nguyên triệt để, thay vì những chế độ nhị nguyên chính trị
như Hoa Kỳ, hoặc ngay cả Anh Quốc (vì tuy Anh Quốc có hơn 2 đảng chính trị
nhưng trên thực tế chỉ có 2 đảng là có thực quyền)
Cuộc cách mạng Pháp, cũng như nhiều cuộc cách mạng
sau đó đều có sự tham gia của nhiều đảng phái và phe nhóm khác nhau. Tuy nhiên,
vào giai đoạn nghiêm trọng nhất thì những thành phần ôn hòa bị các thành phần
cực đoan (Jacobins và Sans Culottes) khống chế. Robespierre, Dalton và Hébert
là tiêu biểu cho các lực lượng cực đoan này. Nếu không có họ, cuộc cách mạng
Pháp đã ít đổ máu hơn, nhất là máu của Hoàng Gia, Giáo Hội và các nhà quý tộc.
Nước pháp cũng có xác xuất trở thành quốc gia quân chủ lập hiến đầu tiên có một
bản hiến pháp thành văn.
Mặc dầu chính Robespierre cuối cùng cũng bị đưa lên đoạn đầu đài, quá nhiều đầu đã rơi
và máu đã đổ. Cuộc cách mạng Pháp đã đi quá đà trong lòng dân.
Nếu không có những thành phần quá khích, và nước
Pháp chuyển mình, từ một trật tự xã hội quân chủ phong kiến bất công, sang một
nền dân chủ trong hòa bình, thì sẽ không còn cơ hội nào cho Nã Phá Luân xử dụng
quân đội để khai tử cuộc cách mạng Pháp, xây dựng đế chế và đem toàn thể Âu
Châu tắm máu chiến tranh. Lịch sử của nhân loại có thể sẽ hoàn toàn khác ngày
hôm nay nếu không có Robespierre.
Tuy không khống chế được trọn vẹn những phần tử quá
khích trong cuộc cách mạng, nhưng cuộc cách mạng Pháp vẫn là một cuộc cách mạng
mang nhiều yếu tố viễn kiến.
Lý do là vì những tư tưởng chỉ đạo của cuộc cách
mạng này phát xuất từ trong lòng nền văn hóa Pháp trải qua suốt thời kỳ Ánh
Sáng, vốn là giai đoạn sáng tạo nhất của Tây Âu. Những tư tưởng chỉ đạo này trở
thành kim chỉ nam cho những chính trị gia nhiều thế hệ tiếp theo, không những
tại Pháp mà con trên năm châu bốn bể khắp quả địa cầu. Hầu như sự thất bại của
cuộc cách mạng 1789 trở thành yếu tố thần thoại hóa những nhân vật lãnh đạo để
họ sống mãi trong lòng dân tộc Pháp. Nếu cuộc cách mạng trường tồn và, dưới ảnh
hưởng của tiến trình thể chế hóa phương tiện (như sẽ giải thích sau), nhóm
Jacobin hoặc một nhóm nào khác, trở thành một đảng phái độc tài,
gieo rắc đau thương cho cả một thế hệ tại Pháp, thì hào quang của những người
lãnh đạo đã lu mờ trong lịch sử.
4. Cuộc cách mạng Tân Hợi
ngày 10 tháng 10 năm 1911 tại Trung Hoa:
Triều đình Mãn Thanh bảo thủ và thối nát. Trung Hoa
là một người khổng lồ bệnh hoạn. Tôn Dật Tiên thành lập Trung Quốc Ðồng Minh
Hội năm 1905 gồm 3 tổ chức chính (Hoa Hưng Hội, Hưng Trung Hội và Quang Phục
Hội) và một số lực lượng khác. Tôn Dật Tiên là một nhà cách mạng lớn của Trung
Hoa và khởi xướng chủ thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa. Vào giai đoạn khởi thủy, những
đường nét chính của chủ thuyết này được Ông khai triển để làm kim chỉ nam cho
các đồng chí của Ông tham gia cuộc cách mạng Tân Hợi. Sau khi cách mạng Tân Hợi
thành công năm 1911, ông được bổ nhiệm làm lâm thời Ðại Tổng Thống một thời
gian ngắn.
Chủ thuyết Tam Dân được Ông viết thành sách và xuất
bản năm 1927 và bao gồm các yếu tố căn bản sau đây:
1. Dân tộc: lấy quốc gia dân tộc làm trọng, để chống
lại một mặt chủ nghĩa thực dân đế quốc, và mặt khác ngăn chận các khuynh hướng
chia rẽ Trung Quốc thành nhiều chủng tộc khác nhau như Mông, Mãn, Hán, Hồi (và
“Tạng” sau khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng).
2. Dân Quyền: Ông quan niệm dân quyền phải được chia
làm 2 loại:
a. Chánh quyền là quyền của dân, gồm quyền bầu cử, đề
nghị dự luật, biểu quyết bãi nhiệm chính quyền hay công chức,và quyền phủ quyết
các luật pháp.
b. Trị quyền là quyền của chính phủ gồm lập pháp, hành
pháp, tư pháp, giám sát và khảo thí (gọi là Ngũ Quyền Phân Lập).
3. Dân sinh: chú vào 2 trọng tâm là bình quân địa
quyền và tiết chế tư bản. Chủ trương của Ông tương tự một “welfare state” như
ngày hôm nay tại Úc Châu, Gia Nã Ðại hoặc các quốc gia Tây Âu. Ông muốn dung
hòa quyền lợi của tư bản và thợ thuyền, giảm thiểu hố sâu giữa kẻ giàu và người
nghèo.
(Xem Dương Thành Lợi, Triết Lý Quốc Trị Ðông
Phương, tt 342-367)
Năm 1912 Trung Hoa Quốc Dân Ðảng được thành lập và
Ông trở thành chủ tịch sáng lập. Tuy nhiên mãi đến năm 1924 Trung Hoa Quốc Dân
Ðảng mới chính thức công nhận Tam Dân Chủ Nghĩa của Ông như là chủ thuyết đấu
tranh của đảng.
Trên thực tế, sự thành công của cuộc cách mạng Tân
Hợi chỉ tạm thời. Các thế lực bảo thủ còn quá mạnh. Năm 1913 Ông phải từ chức
và nhường quyền cho một cựu đại thần Triều Ðình cũ là Viên Thế Khải làm Ðại
Tổng Thống. Viên Thế Khải muốn tái lập vương quyền nhưng sau đó bị lật đổ.
Trung Hoa lại rơi và nội chiến giữa nhiều lực lượng quân phiệt khác nhau. Tuy
Trung Hoa Dân Quốc được thành lập nhưng không bao giờ có một chính quyền trung
ương vững mạnh. Sau đó Ðảng Cộng Sản Trung Quốc chiến thắng tại Hoa Lục năm
1949 và Trung Hoa Quốc Dân Ðảng rút ra cố thủ tại Ðài Loan.
Tôn Dật Tiên học hỏi được nhiều từ nền dân chủ Hoa
Kỳ và áp dụng vào chủ thuyết Tam Dân của Ông. Thuyết dân tộc một phần phản ảnh
thực tế đa chủng tộc và đa văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Tinh thần
bình đẳng trong dị biệt là một điều kiện tất yếu trong một nước dân chủ. Thuyết
dân quyền của Ông là sự khai triển của quan điểm dân quyền (civil rights) tây
phương và quan điểm tam quyền phân lập của Montesquieu. Ông có thêm vào hai
quyền nữa là quyền giám sát và khảo thí, nhưng trên nguyên tắc quan điểm phân
quyền để giảm thiểu sự tập trung quyền lực vào một cá nhân hoặc cơ chế vẫn
không thay đổi.
Thuyết dân sinh của Ông có nhiều ưu điểm nhất. Ông
sinh trưởng tại Hạ Uy Di, Hoa Kỳ nhưng không bị cám dỗ bỡi những khuynh hướng
tư bản. Ông cũng không đồng ý với quan điểm Mác Xít cực đoan. Quan điểm của ông
trung dung. Ông chủ trương bảo vệ tư hữu, nhưng giảm thiểu những cực đoan của
tư bản vô kiểm soát. Thêm vào đó, những chủ trương của Ông không hề ngăn cản
hoặc xen lấn vào nền văn hóa ngàn đời của người Trung Hoa. Ông giúp họ tiến đến
một tương lai tốt đẹp hơn nhưng không buộc họ phải hủy diệt quá khứ của họ.
Viễn kiến của ông được mọi người Trung Hoa công nhân và tôn sùng cho đến hôm
nay.
5. Cuộc cách mạng Nga
1917:
Vào đầu thế kỷ 20, xã hội Nga cũng tương tự như xã
hội Pháp trước cuộc cách mạng 1789 vậy. Một mặt triều đình thố nát, công quỹ
kiệt quệ. Mặt khác giáo hội Chính Thống Giáo cũng liên kết với vương quyền và
giới quý tộc bóc lột người dân. Cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng năm 1917
không phải hoàn toàn, hoặc chủ yếu, do người Cộng Sản Bolshevik. Cũng như cuộc
cách mạng Pháp và những cuộc cách mạng khác, thành
quả có được là do sự đóng góp của
nhiều cá nhân và đảng phái khác nhau. Tuy nhiên tổ chức
nào nghiêm túc, chặc chẽ và kỷ luật sẽ nắm được thế thượng phong.
Nga Hoàng đã bị lật đổ tháng hai năm đó và
một chính phủ lâm thời đã được thành lập dưới quyền của Thủ Tướng Kerensky.
Kerensky là một người chủ trương thành lập một thể chế dân chủ theo chiều hướng
tây phương.
Lê Nin là một trong những người ngưỡng mộ Robespierre như một thần
tượng.
Trong khi Robespierre cướp lấy quyền lực chính trị, trong một giai đọan,
từ những phe nhóm ôn hòa của cuộc cách mạng Pháp, thì Lê Nin cướp quyền lực
vĩnh viễn từ phe ôn hòa do Alexander Kerensky lãnh đạo, trong cuộc cách mạng
Nga. Cuộc cách mạng Bolshevik xảy ra vào tháng 10, 1917
Sai lầm chính trị của Kerensky là chủ trương chống lại cuộc xâm lăng của
nước Ðức và tuyển mộ quân đội gởi ra tiền tuyến. Ðây là một hành động yêu nước
nhưng thiếu sáng suốt vì vào thời điểm đó, dân chúng thiếu ăn và chán ngán
chiến tranh. Lê Nin và Ðảng Bolshevik (không còn là một nhóm nữa mà đã tách ra
khỏi nhóm Menshevik để thành lập một đảng riêng) trái lại chủ trương phản
chiến. Ðiều này phù hợp lòng dân, và chính phủ Ðức viện trợ cho nhóm Bolshevik
tài chánh dồi dào, mong sao cho Lê Nin nắm được chính quyền để Ðức dễ chiếm cứ
một phần đất phì nhiêu của Nga Sô.
Chính nhờ những yếu tố này mà phe Bolshevik cướp được chính quyền vào
tháng 10, 1917. Biến cố này được các sử gia Cộng Sản nâng cấp thành “cuộc cách
mạng tháng 10 vĩ đại”.
Trên thực chất cách mạng lật đổ Nga Hoàng đã xẩy ra tháng 2 trước đó.
Tháng 10 chỉ đánh dấu sự chuyển nhượng quyền lực từ nhóm Kerensky qua tay nhóm
Lê Nin.
Sau khi nắm được chính quyền Lê Nin lập tức thi hành các chính sách Cộng
Sản tiêu biểu như sau:
“Tiêu diệt mọi thành phần và đảng phái/ phe nhóm đối lập (đặc
biệt là đảng Cách Mạng Xã Hội và Menshevik)
a. Tháng 12 năm 1917
thành lập cơ quan mật vụ Cheka (vốn là tiền thân của KGB) để thanh toán và thủ
tiêu tất cả mọi đối lập trong và ngòai đảng.
b. Quốc hữu hóa tất cả
mọi ngân hàng.
c. Trao các hãng xưởng
cho các soviets quản trị.
d. Các tài khoản tư nhân
trong các ngân hàng bị tịch thu.
e. Tài sản và ngân khoản
của giáo hội Chính Thống Giáo bị tịch thu.
f. Tăng lương và giảm
giờ làm việc cho nhân công thành 8 giờ một ngày.
g. Chối bỏ tất cả các
món nợ với các quốc gia khác”.
(Xem Wikipedia: October Revolution).
Cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 tuy thành công
trên phương diện cướp chính quyền cho nhóm Bolshevik, nhưng lại là một cuộc
cách mạng thiếu viễn kiến và gây nhiều tác hại cho dân tộc Nga, lẫn những dân
tộc bị các chế độ Cộng Sản tiếp theo cai trị vì các yếu tố như sau:
a. Tính cách đoạn tuyệt quá khứ quá mạnh của nó hủy
hoại nền văn hóa truyền thống dân tộc Nga trong khi thiên đường Cộng Sản chỉ là
một viễn tượng xa vời chưa có.
b. Tính bạo động và đổ máu của nó, dưới sự lãnh đạo
của Lê Nin và sau đó Stalin còn vượt xa mức độ của thần tượng của họ là
Robespierre nữa. Nếu kể cả Stalin thì đảng CS Liên Xô đã giêt khoảng trên 30
triệu người. Một sự lạm sát như thế tiêu diệt nguyên khí của dân tộc Nga và dân
tộc này sẽ mất nhiều thế kỷ và thế hệ mới khôi phục được.
c. Cuộc cách mạng tháng 10 của người Bolshevik hoàn
toàn không có khả năng khống chế các thành phần quá khích và giáo điều. Hơn ai
hết, lãnh tụ của họ Lê Nin là một thành phần quá khích. Mặc dù vào những năm
cuối cùng của mình, Lê Nin đã nhìn thấy một phần những khuyết điểm và muốn sửa
đổi. Tuy nhiên sức khỏe của ông đã suy giảm và những quy luật mà ông đưa ra,
như quan điểm dân chủ tập trung, đã bị Stalin lợi dụng
triệt để để khống chế mọi thành phần đối lập trong lẫn ngoài đảng. Lê Nin chết sớm và Stalin lên ngôi.
d. Ðảng Cộng Sản Liên Xô là tiêu biểu tuyệt vời cho
hiện tượng thể chế hóa phương tiện. Lý do là vì trên nguyên tắc, theo lý thuyết
Mác Xít, đảng CS chỉ là một phương tiện để xây dựng xã hội chủ nghĩa hoặc thiên
đường cộng sản. Một khi thiên đường đạt được thì phương tiện sẽ triệt tiêu. Tuy
nhiên đảng như là một phương tiện, vì nắm mọi quyền lực và quyền lợi trong tay,
nên chuyển mình thành một định chế vĩnh viễn trường tồn, nắm
sinh mệnh không những của từng đảng viên mà của nguyên dân tộc trong bàn tay
sắt của mình. Dĩ nhiên bao lâu mà thiên đường chưa đến thì không có lý do
để triệt tiêu và thiên đường càng viễn vông thì quyền lực càng trường tồn. Như
là một quy luật, một phương tiện chuyển mình trở thành định chế.
Ðảng CS Liên Xô trở thành một con khủng long cấu xé không những các đảng
viên nội bộ mà còn ăn tươi nuốt sống toàn dân tộc Nga. Các đảng CS Trung Quốc,
Việt Nam, Bắc Hàn đều là những tai họa tương tự cho dân tộc họ vì tính thiếu
viễn kiến của cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917.
6. Cuộc cách mạng Hồi Giáo
năm 1979 tại Iran:
Nếu chúng ta định nghĩa cách mạng là sự thay thế
một trật tự xã hội này, bằng một trật tự xã hội khác với một quan điểm chỉ đạo
trái ngược, thì công cuộc lật đổ Vương Triều Mohammad Reza Pahlavi năm 1979,
dưới sự lãnh đạo của Giáo Sĩ Hồi Giáo Khomeni, để thành lập nên nước Cộng Hòa
Hồi Giáo Iran, là một cuộc cách mạng đúng nghĩa.
Dân tộc Iran vốn là một dân tộc theo tín ngưỡng Hồi
Giáo. Tuy nhiên vương triều Pahlavi đã mất lòng dân vì những yếu tố sau đây:
1. Nhà vua có khuynh hướng chuyên chế và mất lòng giới
trí thức cấp tiến muốn dân chủ hóa đất nước.
2. Vương triều muốn giới hạn quyền lợi cũng như ảnh
hưởng của giáo hội Hồi Giáo và làm giới giáo sĩ bất mãn.
3. Vương triều muốn từ từ thay thế luật truyền thống
Hồi Giáo bằng luật lệ Tây Phương, kể cả nam nữ bình quyền, lẫn cấm không cho
phụ nữ đội khăn che đầu truyền thống. Ðiều này làm dân chúng phẫn nộ.
4. Nhà vua còn tỏ ra lệ thuộc vào Hoa Kỳ và Anh Quốc
quá mức. Các quốc gia này bị dân chúng coi là những kẻ thù của Hồi Giáo.
5. Vương triều xử dụng tối đa quân đội và công an để
đàn áp dân chúng. Tuy nhiên các lực lượng chống đối liên kết. Cuối cùng nhà vua
phải bỏ nước lưu vong.
Giáo Sĩ Khomeni trở về Iran từ Pháp và được hằng
triệu người đón tiếp tại phi trường.
Quan điểm chỉ đạo của cuộc cách mạng này gồm các
yếu tố sau đây:
a. Luật Hồi Giáo là tối thượng và giáo quyền
(theocracy) phủ quyết thế quyền (the state).
b. Công bằng xã hội.
c. Chống lại những “khuynh hướng đế quốc” của các
nướcTây Phương, nhất là Hoa Kỳ và Anh Quốc. Cuộc chiến ngày hôm nay, đối với họ, là
sự tiếp nối tự nhiên của các cuộc thánh chiến giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo
thời Trung Cổ.
d. Chống lại văn hóa Tây Phương.
e. Cuộc cách mạng Hồi Giáo tại Iran chỉ là khởi điểm,
cuộc cách mạng phải lan tràn trên tất cả các quốc gia Hồi Giáo khác, các nước
Tây Phương và cuối cùng phải chinh phục toàn thế giới bằng ý thức hệ Hồi Giáo.
Ðể thực thi ý thức hệ trên tại Iran, hiến pháp nước
này được viết lại và mọi quyền lực và cơ chế chính trị đều bị sự kiểm soát và
chỉ đạo của một Hội Ðồng Giáo Sĩ (Council of Guardians). Hội đồng này kiểm sóat
bầu cử và các sắc luật của lập pháp. Chủ tọa của Hội Ðồng là một lãnh tụ Hồi Giáo tối cao (Supreme Leader)
điều khiển và kiểm soát quân đội và công an, cũng như bổ nhiệm các chức vụ
cao cấp của chính quyền và trong ngành tư pháp. Vị lãnh tụ tối cao đầu tiên là Ayatolla Khomeni. Vị lãnh tụ tối cao hiện giờ là
Ayatolla Ali Khamenei.
Nếu chúng ta đáng giá mức độ viễn kiến hoặc thiếu
viễn kiến của cuộc cách mạng này thì chúng ta có những nhận xét như sau:
1. Những quan điểm hướng về tương lai của Khomeni là
một xã hội lý tưởng sống bằng lời dạy của Thượng Ðế qua kinh Koran. Tuy nhiên,
trên thực chất đây là một xã hội trong đó giới Giáo Sĩ thống trị thường dân,
Giáo Hội thống trị cả chính quyền lẫn xã hội dân sự, và đàn ông thống trị nữ
giới, tạo nhiều bất công.
2. Dĩ nhiên cuộc cách mạng này không có tính đoạn
tuyệt quá khứ. Ngược lại không những nó tiếp nối quá khứ mà còn đi ngược lại
thời gian, phủ nhận những tiến bộ bình thường của nền văn hóa Iran. Bằng tác
động đi ngược lại dòng thời gian, nó muốn kéo dân tộc Iran trở về thời Trung Cổ
khi Ðấng Tiên Tri Mohammad mới quật khởi, khai đạo và vung gươm chinh phục các
bộ lạc trong bán đảo Saudi Arabia thời bấy giờ. Kéo một dân tộc đi ngược lại
hơn một ngàn năm là một tác động gây nhiều tang tóc.
3. Chính vì chủ trương phản tiến hóa như thế mà cuộc
cách mạng tại Iran được coi là nguồn gốc của quan điểm Hồi Giáo cực đoan
(fundamentalist Islam) cùng với Ossama
Bin Laden lẫn nhiều phe nhóm cực đoan khác. Chính quyền Iran còn âm thầm tài trợ cho nhiều phe nhóm khủng bố,
nhằm lật đổ các chính quyền tại các quốc gia Hồi Giáo mà họ cho là thối nát,
phản đạo và làm tay sai cho tây phương (Hồi Quốc, Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập
…)
4. Những thành phần quá khích không những không bị
khống chế mà còn dược ủng hộ và đưa vào những chức vụ lãnh đạo trong chính
quyền.
5. Giáo Hội hiện giờ đang nắm quyền tuyệt đối, khống
chế chính quyền lẫn xã hội dân sự. Qua tiến trình thể chế hóa phương tiện, giáo
hội trở thành một định chế đầy quyền sinh sát trong tay và một thứ siêu quyền
lực. Các nhà lãnh đạo quyêt tâm nắm giữ quyền hành để thiên thu trường trị,
nhất thống giang hồ, tương tự các đảng cộng sản trên thế giới.
Cuộc cách mạng Hồi Giáo tại Iran là một tai họa lớn
lao cho dân tộc này, và gieo mầm hiểm họa cho nền hòa bình của thế giới. Nhất
là nếu Iran hoặc những phe nhóm khủng bố Hồi Giáo chế , ráp, đánh cắp hoặc mua
được vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học hoặc tương tự.
Ðánh giá các cuộc cách
mạng:
Sau khi duyệt xét các cuộc cách mạng lớn trên thế
giới, chúng ta có thể phân ra hai loại: những cuộc cách mạng đem lại dân chủ và
những cuộc cách mạng xây dựng độc tài.
Các cuộc cách mạng đem lại dân chủ bao gồm: Magna
Carta tại Anh Quốc năm 1215, Cuộc cách mạng Hoa Kỳ năm 1776, cuộc cách mạng
Pháp 1789 và cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc 1911.
Các cuộc cách mạng đem lại độc tài bao gồm: Cuộc
cách mạng Bolshevik 1917 và cuộc cách mạng Hồi Giáo tại Iran năm 1979.
Hầu như những cuộc cách mạng dân chủ hóa luôn luôn
đem lại, không những tiến bộ vượt bực về kinh tế cho các quốc gia sở tại, mà
trên phương diện nhân quyền lẫn dân quyền, đều vượt trội so với các dân tộc
phải trầm luân trong các cuộc cách mạng độc tài. Bằng cớ hiển nhiên là Anh
Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và Ðài Loan vượt trội Nga Sô, các quốc gia Ðông Âu và Trung
Cộng.
Các cuộc cách mạng tại Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và
Tân Hợi có nhiều khuyết điểm và nhiều khi bất thành. Nhưng viễn kiến của những
người lãnh đạo biến lý tưởng của họ thành những ngọn đưốc soi đường cho các thế hệ mai sau. Hậu duệ của họ
cuối cùng đã xây dựng được những xã hội phồn vinh, dân chủ và tươi sáng. Lý
tưởng đấu tranh của họ hoàn toàn không có khuynh hướng ý thức hệ giáo điều.
Những đảng phái phe nhóm của họ thành lập không trở thành những định chế cứng
nhắc đầy quyền lực, siêu chính quyền, để khống chế nhà nước lẫn xã hội dân sự
như các đảng Cộng Sản hoặc hội đồng giáo sĩ hồi giáo Iran.
Cuộc cách mạng Bolshevik 1917 và cuộc cách mạng Hồi
Giáo Iran 1979 rõ ràng là những cuộc cách mạng thiếu viễn kiến. Các cuộc cướp
chính quyền của các đảng Cộng Sản khác nhau tại Trung Hoa lục địa, Bắc Hàn,
Việt Nam và Cuba đều cùng chia xẻ những khuyết điểm đã thảo luận trên.
Mặc dầu Lê Nin là một trong những người ngưỡng mộ
Robespierre, và ở một mức độ nào đó, đã “noi gương” Robespierre một cách xuất
sắc trong chủ trương đổ máu của mình. Tuy nhiên có một sai biệt căn bản giữa
cuộc cách mạng Pháp 1789 và cuộc cách mạng Bolshevik 1917. Ðó là cuộc cách mạng
Pháp không nhằm đến mục tiêu hủy diệt giáo hội Công Giáo, hoặc hủy diệt tôn
giáo nói chung, như Lê Nin. Tính viễn kiến của cuộc cách mạng Pháp nằm ớ chỗ
giới hạn quyền lực của giáo hội và vạch một lằn ranh rõ rệt giữa giáo quyền và
thế quyền, giúp cho sự phát triển dân chủ và ý niệm chủ quyền quốc gia được
hưng thịnh. Biên giới giữa giáo quyền và thế quyền giúp cho nước Pháp và các
nước Tây Âu, vào thới điểm đó, song hành hai công tác thiết yếu: nối tiếp
truyền thống văn hóa Thiên Chúa Giáo và xây dựng dân chủ chân chính.
Sai lầm lớn lao nhất của các Ông Mao Trạch Ðông,
Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh là áp dụng giải pháp Mác Lê cho Việt Nam. Giải
pháp này tự nó đã thiếu viễn kiến và tàn phá một nước Thiên Chúa Giáo ( hệ phái Chính Thống Giáo) như Nga Sô một cách thảm thương,
vì tính đoạn tuyệt quá khứ và giáo điều của nó. Khi áp dụng miễn cưỡng vào các
quốc gia Ðông Á, với một nền văn hóa hòan toàn khác biệt là Tam Giáo (Phật Lão
Khổng) thì tính tha hóa và sự tàn phá còn tệ hại hơn nữa.
Trước hết các tôn giáo Ðông Á như Phật Giáo, Lão
Giáo và ngay cả Không Giáo không có tính giáo quyền. Không có một tôn giáo nào
có một hệ thống và định chế quyền lực như có một vị giáo chủ toàn năng sai khiến giáo dân và can thiệp vào thế quyền
cả.
Nếu có thế quyền thì chỉ có giai cấp Nho Gia sĩ phu
đứng ra giúp triều đình gánh vác chuyện nước non. Tuy nhiên các sĩ phu cũng
không có một giáo chủ sai khiến họ.
Dĩ nhiên xã hội truyền thống có rất
nhiều bất công. Nhưng tính cứng nhắc của nó không bằng xã hội Pháp trước khi
cuộc cách mạng Pháp xảy ra. Tại Ðông Á, sự vận hành xuyên giai cấp tuy khó khăn
nhưng thường xuyên xảy ra. Một thư sinh nghèo nếu học giỏi vẫn được bổ nhiệm
làm quan lớn. Vua Quang Trung xuất phát từ giai cấp nông dân.
Gia cấp xã hội tây phương lúc đó trái lại được phân
làm 3 loại rõ rệt. Giai cấp thứ nhất là giáo hội công giáo, giai cấp thứ nhì là
quý tộc và giai cấp thứ ba là thứ dân. Vương triều đứng ngoài và trên các giai
cấp. Tuyệt đối không có sự vân hành xuyên giai cấp giữa vương triều, quý tộc và
thứ dân. Các giai cấp đều là cha truyền con nối. Chỉ có sự vân hành xuyên giai
cấp trong giáo hội mà thôi, vì hàng ngũ giáo hội không phân biệt giai cấp. Sự
xung đột giữa giáo quyền và thế quyền tại Tây Phương, sau đó đưa đến sự phân
chia ranh giới giữa giáo quyền và thế quyền, tuy giảm đi quyền lực của giáo
hội, nhưng lại giúp cho giáo hội loại bỏ những tính tiêu cực và nuôi dưỡng
những tính tích cực, hầu tiếp tục đóng góp như là cột trụ của nền văn hóa Tây
Âu.
Chính vì thế khi nói đến giáo hội Công Giáo La Mã
ngày hôm nay, chúng ta thường nghe nhắc tới các yếu tính như: thể hiện lòng bác
ái qua các công tác từ thiện và giáo dục, bênh vực cho giới nghèo khổ qua quan điểm công bằng xã hội, và cổ võ cho hòa
bình thế giới qua uy tín của giáo hội.
Tại Ðông Á, nền văn hóa truyền thống hàm chứa nhiều ưu điểm có thể đóng góp cho tiến trình dân
chủ hóa và củng cố cho ý niệm dân chủ
đó. Ưu điểm lớn vì ngoài ba yếu tính tích cực tương tự như của giáo hội La Mã, nền văn hóa Tam Giáo còn bao
hàm tính phi ý thức hệ cực mạnh và hoàn toàn phủ nhận tiến trình thể chế hóa phương tiện.
Chính vì thế, tuy thời điểm cách mạng dân chủ đến
trễ với nền văn hóa Ðông À qua cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 của Tôn Dật Tiên (vì
bản chất ôn hòa và trung dung của Tam Giáo) nhưng tính tích cực của nền văn hóa
truyền thống sẽ dễ dàng thăng hoa cho quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và
đa nguyên ngày hôm nay.
Dĩ nhiên những cuộc cách mạng dân chủ không phải
hoàn toàn không khuyết điểm. Vấn đề là các cuộc cách mạng này không nặng giáo
điều và những khuyết điểm có cơ hội được tu chính, mặc dù sự tu chính có thể gặp nhiều khó khăn.
Khi chúng ta xét đến trường hợp của Hoa Kỳ, công
trình giải phóng nô lệ của Tổng Thống Lincoln cũng không làm cho xã hội Hoa Kỳ
hoàn hảo được. Hoa kỳ có thể được gọi là một xã hội do một đa số trung lưu cai
trị một thiểu số người nghèo. Ðại đa số người nghèo thất nghiệp và không có bảo
hiểm sức khỏe. Tuy nhiên xã hội Hoa Kỳ cởi mở và luôn cải tiến. Tổng Thống
Barack Obama đã thành công trong việc cải tổ nền y tế Hoa Kỳ và đem lại bảo
hiểm sức khỏe cho 15% người dân Hoa Kỳ không có bảo hiểm. Đây là một bước đi
dài trên con đường đều chỉnh những khuyết điểm lớn lao của cuộc cách mạng Hoa
Kỳ 1776.
Mặc dầu chúng ta không thể đánh gía thấp cuộc cách
mạng Hoa Kỳ, nhưng chúng ta có quyền đặc câu hỏi gỉa định rằng: nếu cuộc cách mạng lừng danh này không xảy ra thì số phận của dân Hoa Kỳ
sẽ ra sao? Một trong những câu trả lời mà tôi cảm thấy đương nhiên là: Dân Hoa
Kỳ sẽ tương tự như dân Gia Nã Ðại hoặc dân Úc Ðại Lợi. Chúng ta có thể tranh
cãi về những quyền tự do tương đối giữa dân Hoa Kỳ và dân Gia Nã Ðại hoặc Úc
Ðại Lợi. Tuy nhiên có một điều chúng ta có thể khẳng định là tại Gia Nã Ðại và
Úc, dù đi làm hay thất nghiệp, mọi người đều không cần lo lắng về bảo hiểm sức
khỏe. Cần nói thêm rằng, Úc và Gia Nã Ðại không phải là những quốc gia hiếm hoi
trên phương diện bảo hiểm sức khỏe cho toàn dân, mà hầu hết các quốc gia tiền
tiến đều có hệ thống bảo hiểm sức khỏe tương tự, hiệu năng hơn, công bằng hơn
và ít tốn kém hơn Hoa Kỳ.
Ðại họa của dân tộc Việt Nam là: Ông Hồ Chí Minh là một chính trị gia
lão luyện nhưng hoàn toàn không có viễn kiến.
Ông đã đưa
dân tộc vào những tuyệt lộ. Những bước đi, đôi khi ngoạn mục của ông và những
đồ đệ, chỉ là những hào nhoáng có tính giai đọan. Kết quả thực sự họ đem lại
cho dân tộc là sự nghèo khổ, tụt hậu so với các dân tộc cùng khu vực và cùng
nền tảng văn hóa, sự mất đất, mất vùng biển tổ tiên chúng ta đã tranh đấu nhiều
thế kỷ để bảo tồn và sự giãm sút tổng năng lượng trí tuệ của toàn dân tộc.
Nếu không có cuộc cách mạng Bolshevik 1917, nếu
đảng CSTQ không chiến thắng tại Trung Hoa năm 1949, nếu CSVN không nhờ vào
Trung Cộng và chiến thắng tại Ðiện Biên Phủ 1954 và chinh phục Nam Việt Nam
1975, thì ngày hôm nay, cũng như Nam Hàn, dân tộc Việt Nam với 100 triệu người
và khối óc thông minh, cần mẫn đã hãnh diện đứng vào hàng ngũ của những quốc
gia phát triển như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan rồi.
Trong những danh nhân tranh đấu cho nền độc lập của
nước nhà, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ, các Nhà
Cách Mạng Lý Ðông A, Trương Tử Anh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tường Tam, mặc dù
không mưu mô quyền biến, lão luyện giang hồ bằng Ông Hồ Chí Minh, nhưng họ vẫn nhiều viễn kiến hơn Ông Hồ, vì
một mặt họ chủ trương dân chủ hóa đất nước , nhưng mặt khác họ vẫn chủ trương
tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nếu không có Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN thì ngày
hôm nay, chúng ta không những đã có độc lập mà chúng ta còn có một đất nước tân
tiến, một nền kinh tế hùng mạnh, một nền dân chủ đa nguyên đa đảng và ngang
nhiên đối đầu với Trung Quốc trên các sự tranh chấp lãnh địa và lãnh hải.
Không có chủ trương chính trị nào thiếu viễn kiến
bằng chủ trương đoạn tuyệt với nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Không
có tư tưởng chính trị nào thiếu viễn kiến bằng những giáo điều cứng nhắc làm
mồi ngon cho tiến trình thể chế hóa phương tiện để xây dựng những đảng phái và định chế độc tài tàn phá nguyên khí
của dân tộc.
Trừ phi trong sự nghèo khổ cùng cực phải mất đi cả
nhân tính, mỗi con người, mỗi dân tộc, không phải chỉ có nhu cầu vật chất, cũng
không chỉ đơn thuần là một cái chốt vô tri trong một bộ máy, cũng không phải
đơn thuần là những đơn vị sản xuất trong một guồng máy sản xuất phi nhân tính.
Sự thiếu viễn kiến của Karl Marx là động lực để các đảng CS khác nhau chủ
trương bần cùng hóa những con người và dân tộc trong một cố gắng vô vọng để vật
chất hóa con người.
Quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên
của các nền dân chủ hiện đại là một quan
điểm mở (open) và mang tính năng động (dynamic).
Chính vì các lý do trên, muốn phục hưng đất nước và
đem lại cho Việt Nam chiều cao thực sự của dân tộc, chúng ta phải song hành chủ
trương phục hưng văn hóa dân tộc và xây dựng dân chủ hiến định, pháp trị và đa
nguyên.
Ðiều cần phải nhấn mạnh nơi đây là khi chủ trương
đa nguyên là chúng ta phải chủ trương đa nguyên tuyết đối, không phải chủ
trương đa nguyên bề mặt để làm bình phong cho một chế độ lưỡng đảng như Hoa Kỳ.
Những phe nhóm quyền lực có thể khống chế một chính đảng trong một chế độ độc
đảng dễ dàng để kéo dài đau thương cho cả dân tộc. Những phe nhóm quyền lực
cũng có thề khống chế cả hai chính đảng để khống chế toàn bộ xã hội và làm chậm
trễ những tiến trình cải tổ xã hội như tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên nếu chúng ta có một môi trường đa nguyên
thực sự, thì số đảng phái nhiều hơn và các nhóm quyền lực sẽ không bao giờ
khống chế toàn diện được. Nhất là khi nguyên tắc đa nguyên được củng cố bỡi
viêc hiến định hóa thể thức bầu cử chọn đại diện theo tỷ lệ (proportional
representation) và trách nhiêm bầu cừ cưỡng bách (compulsory voting).
Phương pháp bầu cử đại theo tỷ lệ phải nhạy bén tối đa với tỷ lệ cử tri. Một chính đảng có 5% dân
bầu phải có 5% đại diện trong quốc hội. Mọi người dân phải có trách nhiệm đi
bầu. Nếu không đi bầu sẽ bị chế tài. Ðiều này sẽ làm cho những dân nghèo cũng
đi bầu như những người khá gỉa. Về lâu về dài, tiếng nói của người nghèo sẽ
được lắng nghe nhiều hơn, giảm thiểu sự bất công xã hội trong các chính sách quốc gia.
Với tính nhạy bén của từng lá phiếu nâng cao và với
tính đa nguyên tuyết đối của môi trường chính trị ngày càng vững mạnh, sẽ không
có tình trạng các phe nhóm quyền lực khống chế tòan bộ chính trường, tạo ra
những bất công bất trị.
Muốn như thế, người dấn
thân đi làm cách mạng phải có viễn kiến.
Constitution Hill ngày 17 tháng 3, 2024
Luật Sư Ðào Tăng Dực
Nhận xét
Đăng nhận xét