Nhà văn Xuân Vũ và những đóng góp tích cực của những người hồi chánh (P1)

Nhà văn Xuân Vũ và
những đóng góp tích cực của những người hồi chánh (P1)


Nguyễn Văn Lục

Bài viết này gồm hai phần: Phần một viết những nhân vật hồi chánh. Phần hai dành để viết về nhà văn Xuân Vũ.

Phần Một

Chính sách chiêu hồi của các chính phủ miền Nam từ thời TT. Ngô Đình Diệm đến sau này là một trong những điểm đột sáng  về sự khôn ngoan và đượm tình người đã cứu vớt hằng 200.000 ngàn người trở về với chính nghĩa quốc gia.

Thứ nhất, nó là một chính sách nhân đạo đã cứu vớt hàng vạn sinh linh ra khởi vùng máu lửa trở về với chính nghĩa Quốc Gia.

Thứ hai, nó làm suy yếu tinh thần những người lính bên kia như một đầu hàng, hoặc như một “chính nghĩa” lung lay đã thoái trào. Khi họ nhặt được truyền đơn thả từ máy bay xuống, phần đông bọn họ đã lén lút cất giữ các truyền đơn đó như một thứ giấy thông hành khi cần.

Xin ghi lại một tờ truyền đơn ghi: Hồi chánh là con đường sống.. mang tấm giấy thông hành này, về cộng tác với chính phủ Quốc Gia các bạn sẽ được:

- Đón tiếp tử tế

- Bảo đảm an ninh

- Đãi ngộ tương xứng

Truyền đơn có chữ ký và đóng mộc đỏ do Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng, tổng trưởng bộ Xây Dựng nông thôn tư lệnh quân khu vùng  4 chiến thuật.

Thứ ba nhìn vào số lượng hồi chánh viên cho thấy một một tổ chức quân sự phía bên kia trên (đang) mất niềm tin trên đà tan rã, trong khi phía người Việt Quốc Gia không có cảnh tượng tan rã tương tự, mặc dầu sau này thua trận.

Thứ tư, về đường dài, sau này hằng trăm ngàn quân dân cán chính phải đi học tập từ một vài năm đến 17 năm, khi ra khỏi trại cải tạo - họ vẫn là họ -, vẫn kiên định về lập trường không chấp nhận sống chung với cộng sản. Thử hỏi có bao nhiêu người ”hồi chánh” trong số hằng trăm ngàn người đi học cải tạo về rồi tình nguyện hoạt động cho phía bên kia?

Trong số hàng vạn người quay về với chính nghĩa quốc gia, tôi xin phép được lọc lựa một số người cựu kháng chiến lâu đời nhất trước 1954, đồng thời nêu bật vài người tiêu biểu đã đóng góp tích cực cho miền Nam sau thập niên cuối 1960-1975 như:

- Ông Lê Tùng Minh, tên thật là Tô Minh Trung, nguyên là bí thư của Trần Bạch Đằng.

- Người thứ hai quan trọng hơn, Đại tá Nguyễn Bé, chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cán bộ xây dụng nông thôn và gọi đó là chương trình về làng.

Và người thứ ba không thể thiếu là nhà văn Xuân Vũ, tên thật là Bùi Quang Triết, sinh ngày 19 tháng ba năm 1930, tại làng Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre (Khánh Hòa)

Ngay thời tuổi trẻ, ông đã tham gia vào phong trào kháng chiến Nam Bộ (1945-1954) thuộc chiến khu U Minh trong Nam Bộ và là phóng viên của tờ báo “Tiếng súng kháng địch”. Ông chỉ có một người em gái ở vậy suốt đời lo nuôi cha mẹ già còn người anh duy nhất là Xuân Vũ thì lo “đi làm kháng chiến" rồi.

Phần I. Bối cảnh chính trị miền Nam cuối thập niên 1965-1975

Đây là giai đoạn bản lề then chốt chung cục đưa đến việc mất miền Nam vào tay cộng sản. Cái chết của TT Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu cũng như của ông Ngô Đình Cẩn là một bước ngoặt lịch sử, sau đó tạo ra một khoảng trống chính trị không thể bù đắp được.

Ông Diệm Nhu chết do một tên đại úy đồ tể giết người: đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của Dương Văn Minh. Sau này, tướng Nguyễn Khánh bắt Nhung, Nhung đã khai dùng súng Colt 12 bắn mỗi người 5 phát. Sự trả thù giữa Diệm và Nhu  với  Big Minh kể như đã xong. Sau này, ông Minh không bao giờ nhìn nhận mình ra lệnh giết hai anh em ông Diệm-Nhu và có lần còn đổ trách nhiệm cho đại tá Nguyễn Văn Thiệu lúc đó. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã lên tiếng phản bác và khống trách về vụ này.

Tướng lãnh đảo chánh do Dương Văn Minh, một võ tướng vô mưu, đầu óc đầy hận thù đúng như nhận xét không sai của ông Ngô Đình Nhu lột tả: “Minh a la force d’un éléphant , mais cervelle d’un oiseau-mouche, un homme vénal et surtout n’entend rien à la politique.”(Minh có sức lực như một con voi, nhưng não trạng của một loài chim sâu, một con người dễ bị mua chuộc và một con người chẳng hiểu biết gì về chính trị cả).

Sau khi lật đổ ông Ngô Đình Diệm, người ta mới nhận thức rõ được chứng tỏ tình trạng bất lực của tướng Dương Văn Minh và đám tướng lãnh bất tài đưa đến tranh dành quyền lực, hết đảo chánh đến chỉnh lý. Lý Chánh Trung đã gọi một cách mỉa mai gọi thời kỳ đó là “ba năm xáo trộn”.

Dưới con mắt của Frank Scotton cho thấy họ chỉ là đám sĩ quan phế thải từ thời Pháp để lại.

Đây có thể là một món quà mà ông Dương Văn Minh và đám tướng lãnh miền Nam lật anh em ông Diệm đã dọn sẵn cho Lê Duẩn.  Việc mất ông Diệm là thời cơ đã đến, Lê Duẩn càng rắp tâm thôn tính miền Nam một cách điên cuồng.

Món qua thứ nhất mà ông Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh làm là: Thả hết các tù nhân chính trị bất kể là Quốc Gia hay Cộng sản từ Khám Chí Hòa đến Côn Đảo.

Trong đó, cán bộ cộng sản gộc nhất, tiêu biểu nhất, cao cấp nhất được thả là Quốc Hương túc Mười Hương, phó bí thư Trung Ương Cục miền Nam. Tôi nghi ngờ về trí năng của một vị tướng lãnh đứng đầu quân đội lại có thể có quyết định thả tù cho một kẻ địch quan trọng như vậy. Phải chăng nhận xét của ông Ngô Đình Nhu là xác thực? Tôi đành gọi đây là cách: Thả hổ về rừng. Chúng được thả về sẽ tiếp tục quấy phá miền Nam mạnh mẽ hơn.

Món quà thứ hai không kém quan trọng  về mặt chiến thuật là: Phá hủy và triệt tiêu tất các Ấp chiến lược (16.000 Ấp tất cả).. Ngoài tên gọi Ấp chiến lược còn có nhiều tên gọi khác nhau như Khu trù mật, khu Dinh điền và sau là Ấp Đời mới.. Có thể có nhiều ấp xã làm không đúng cách hoặc bôi bác, phản lòng dân.

Nhưng một quyết định sóa sạch tất cả là điên rồ, thiếu suy nghĩ.. chín chắn. Đã có lần nào, ông Dương Văn Minh đến tham quan một Ấp Chiến lược chưa? Ông đã tham khảo ý kiến, bàn bạc với ai chưa?Tại sao  hành động như vậy?

Kết quả đây là cơ hội duy nhất trả cộng sản trở  về với nông thôn - không đánh mà thành- vì ai nắm được nông thôn là làm chủ đất nước.

Hoa Kỳ trước những rối loạn chính trị, thất vọng toan tính bỏ rơi miền Nam với vai trò con thoi của Henry Kissinger và cái kết thúc như mọi người đều biết. Hoa kỳ đã đổ quân vào Đà Nẵng , không hỏi ý kiến  lãnh đạo nào của miền Nam, Mỹ có hỏi ý kiến một viên tướng nào không? Vào đã không hỏi, ra cũng vậy, lấy cớ gì trách họ phản bội? Cuối cùng VNCH trở thành những tên lính đánh thuê cho chủ mới.

Sau khi lật đổ chế độ, tướng lãnh từ ông Dương Văn Minh quỵ lụy ra vào tòa đại sứ Mỹ để nghe theo lời chỉ dạy của Cabot Lodge - Ông đại sứ trở thành một thứ quan toàn quyền - thời đại mới!!

Nhục nhã thay cho một đất nước mất chủ quyền.

Trước 1975, một lần nữa cho thấy ông Dương Văn Minh - một kẻ có não trạng loài chim sâu - dễ bị mua chuộc - là kẻ dọn sẵn cỗ cho cộng sản thôn tính miền Nam.

Dinh Hoa Lan, tại số 98 Hồng Thập Tự của ông sau này là chỗ trú ẩn những thành phần bất hảo, chống đối miền Nam. Tiêu biểu nhất là dân biểu đối lập Dương Văn Ba trốn tránh ở đây cả hơn năm trời. Sau này những Lý Chánh Trung - kẻ bội phản miền Nam- trở thành thứ cố vấn cho Dương Văn Minh..

Tất cả sau này đều ngả theo cộng sản.

Phải chăng ông Dương Văn Minh cũng cùng chí hướng?

Ngoài ra, dinh Hoa Lan sau này còn là chỗ ra vào của nhóm đối lập thân cộng như nhóm Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung vvv.

Những hành động chứa chấp như thế một lần nữa buộc đặt Dương Văn Minh vào hàng ngũ phía bên kia chăng?

Năm 1975, Dương Văn Minh nhận chức tổng thống chưa đầy 48 giờ để sau đó mà một mục đích tối hậu là trói tay tuyên bố đầu hàng vô  điều kiện.

Đó là cách kết thúc cuộc đời của Big Minh. Ông xứng đáng là một hàng tướng, một kẻ tiếp tay cho giặc. Biện minh gì cũng vô ích và thừa.

Sau 1975, cộng sản trả ơn đãi ngộ, mời tham gia Mặt trận,  cho sang Pháp lấy cớ chữa bệnh, rồi sang Mỹ ở với con gái cho đến cuối đời.

Màn kịch thứ hai sự tranh chấp quyền hành giữa tướng Nguyễn Cao Kỳ và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu càng làm cho tình hình thêm bất ổn. Ông Kỳ đã có lúc đứng ra chứa chấp cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm một cách công khai. Sau này, ông về Việt Nam, áo mũ xênh xang cũng không là điều lạ gì.

Phần ông Thiệu, ông củng cố quyền lực cái ghế Tổng thống với kết nối với thủ tướng Trần Thiệm Khiêm, chọn Tổng Tham mưu trưởng quân lực với đại tướng Cao Văn Viên- một người hiền lành, sống an nhiên và không một lần nào tham dự các cuộc đảo chánh, rồi cho ngồi chơi sơi nước.  Tướng Viên trước khi chết đã  trối trăn không muốn được phủ cờ vì cảm thấy bất xứng và cũng không muốn chôn cất theo nghi lễ dành cho tướng lãnh.

Nhưng người nhà đã làm trái ngược nguyện vọng của ông.

Xét về an ninh cảnh sát cũng như an ninh tình báo, đây  là vai trò tối quan trọng học được  từ kinh nghiệm ông Diệm. ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đã suy tính cẩn thận giao cho tướng Nguyễn Khắc Bình, một chuyên viên ngành tình báo. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông  tướng Bình đã tạo được sự tin tưởng nơi Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và TT Nguyễn Văn Thiệu.. Ông đi dây và tạo được sự quân bằng ấy hẳn không dễ mấy ai làm được.

Trụ được lâu như vạy -theo Bạch Diện Thư Sinh cũng kể là một kỳ tích.

Sau này vì tình thế rối loạn trong giới sinh viên, ông đã thành lập A.17. (từ 1968 đến 1975).

Vào ngày 24-04-1975, tướng Nguyễn Khắc Bình đã lặng lẽ bỏ đi, không hề một lời chia tay với nhân viên cán bộ của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo nằm chờ đợi ở số 3 bến Bạch Đằng vẫn hy vọng được Mỹ bốc đi..

Nếu cộng chung với cả gia đình, con số có thể lên đến hơn chục ngàn người.

Trong số những nạn nhân trực tiếp bị bỏ lại sau đó đi tù mút mùa cộng sản có anh Bửu Uy và tác giả cuốn “Mặt trận Đại Học”  của Bạch Diện Thư  Sinh mà tôi đã có dịp giới thiệu cuốn sách.

(Nguyễn Phúc Bửu Uy đã được A.17 cài đặt lên làm chủ tịch Ủy Ban chấp hành sinh viên Văn khoa và sau đó là Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Sài gòn. Bửu Uy chủ trương ổn định Đại học, vạch mặt những thành phần ngoan và lấy lại  trụ sơ nhóm Nhân Văn ở Đại Học Văn Khoa ngoan cố còn sót lại. Sau này đi tù cộng sản, Bửu Uy là một trong những nạn nhân bị án tù cải tạo lâu nhất 17 năm cùng với những người như tướng Lê Minh Đảo.

Cả cuộc đời tuổi trẻ của anh hy sinh trong bóng tối cho một  miền Nam tự do và dân chủ.)

Sau này có nhiều dịp, tôi có điện thoại trực tiếp cho tướng Nguyễn Khắc Bình để hiểu rõ thêm sự việc, nhưng rất tiếc ông đã không trả lời dù tôi đã để lại tin nhắn. Việc không gọi lại gián tiếp ông muốn từ chối không muốn nói chuyện. Tôi coi việc trốn trách nhiệm ấy  như một úy kỵ mà thật ra ông nên trình bày một lần cho rõ: Lý do gì ông đã không đưa được toàn bộ các  nhân viên đã làm việc trong  Phủ  Đặc Ủy Trung Ương tình báo?

Cảnh sinh viên biểu tình rối loạn dưới thời tướng Nguyễn Khắc Bình.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu có những nguyên nhân khách quan của thời cuộc ngoài tầm kiểm soát của tướn Bình.

Trong khi đó, bọn sinh viên thân cộng quấy phá, biểu tình gây rối loạn từng ngày, từng giờ. Cảnh sát tỏ ra bất lực, không làm chủ được tình hình. Hàng rào kẽm gai khắp thành phố chỉ có tác dụng gây khó cho người đi xe hoặc khách bộ hành hơn là ngăn chặn được các cuộc biểu tình.

Là một dân thường, tôi khó chấp nhận được cảnh rối loạn trong thành phố!! Trách ai bây giờ nếu không phải là những người trách nhiệm trực tiếp điều hành an ninh thành phố?

Tôi là nạn nhân của những hàng rào kẽm gai này và hận oán Cảnh sát bất lực. Người điều hành cảnh sát lúc bấy giờ được tướng Nguyễn Khắc Bình trao cho chuẩn tướng  Trang Sĩ Tấn.

Tôi chưa bao giờ thấy ông xuất hiện điều hành trật tự và giải tán biểu tình, đem lại sự an bình cho thành phố Sài Gon.

Tôi vẫn tự hỏi và có quyền hỏi những ngày đó tướng Trang Sĩ Tấn làm gì và tướng Nguyễn Khắc Bình ở đâu? Ít ra họ phải lên tiếng trấn an dư luận hoặc  có biện pháp gì?

Sau này, cộng sản đã công khai nhìn nhận các vụ ám sát các nhân vật quốc gia như môt phô trương thành tích trong các cuốn  “Một cuộc đời đày thử thách” hay “ Giữa ngàn thác lũ”. Hay “Văn Khoa một thời sống đẹp”.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là cuốn  “Trui rèn trong lửa đỏ”  phô trương công khai về thành tích các vụ ám sát: ký giả Từ Chung, báo Chính Luận, giáo sư Nguyễn Văn Bông bị quân khủng bố ám sát trưa ngày 10/1/1071 tại ngã tư Cao Thắng -Phan Thanh Giản, các giáo sư y khoa Lê Minh Trí bị quân khủng bố đặt mìn ngày 6/1/1969 tại góc Nguyễn Du - Hai Bà Trưng,  giáo sư y khoa Trần Anh, các sinh viên như Lê Khắc Sinh Nhật, sinh viên y khoa Trần Quốc Chương, Nguyễn Văn Tần, tức ký giả Cao Sơn, bắn bị thương Bùi Hồng Sỹ.

Họ công khai xác nhận những thành tích như ám sát, thủ tiêu, đốt xe Mỹ, cài đặt người vào các cơ quan đoàn thể tôn giáo, nhất là Khối Phật giáo Ấn Quang, đại học Vạn Hạnh và một số chùa chung quanh Sàigon.

(Năm 1968, tết Mậu Thân ở Huế, Cộng sản dùng các cơ sở chùa ở Huế và không một nhà sư nào bị  giết trong vụ Mậu Thân)

Điển hình là trường hợp Thượng tọa Thích Thiện Minh thuyết pháp ở trụ sở Thích Quảng Đức, đường Công lý có nội dung sách động quần chúng để lật đổ chính phủ miền Nam. Ông và 19 sinh viên phải ra trước tòa án Mặt Trận với tội danh chứa chấp vũ khí, tài liệu bất hợp pháp bị lên án từ 5 năm cấm cố, 10 năm khổ sai.

Sau 1975, bất hạnh cho ông lại bị cộng sản cầm tù và chết rũ tù vào năm 1978 với nghi án bị cộng sản thủ tiêu.

Trong những cuộc thanh toán, ám sát này theo thiển ý, Nguyễn Khắc Bình ở đâu, làm gì? Ông chỉ lo chu toàn trách nhiệm an toàn cho hai ông Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu.. Sau này, ông Nguyễn Văn Ngân, cố vấn đặc biệt cho ông Thiệu cho biết 90% thời giờ ông Thiệu dành để đối Phó với người Mỹ.

Quả thực ông là người có tính toán và lo xa. Bài học Ngô Đình Diệm còn đó.

Nếu tôi là cấp chỉ huy an ninh, tôi chỉ cần cho mật vụ chụp hình những tên hung hăng đầu xỏ nhất, tối đến cho mật vụ tóm cổ chúng, nếu có bồ bắt luôn, bỏ đói, ba ngày chúng sẽ khai ra hết.

Cộng sản còn trà trộn vào vào các phong trào hoạt động công khai nhằm phá rối và gây mất an ninh như: Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Liên đoàn Phụ nữ Phật Tử, Phong trào Dân tộc tự quyết, Lực lượng bảo vệ Văn hóa Dân tộc, Ủy ban  Vận động Bảo vệ chế độ lao tù miền Nam, Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa Bình, Lực lượng thanh niên cứu đói, Ký giả ăn mày.

Các phong trào này như cái cớ, như phên dậu che chắn các tội ác của cộng sản. Nó nở rộ kể từ 1970 gây trở ngại và phiền toái cho người dân không ít. Phần tôi giận bọn chúng một phần, giận cơ quan an ninh VNCH mười phần.

Tình thể rối ren hơn lúc nào hết cần đến các ông thì các ông cũng bó tay chăng?

Sáng mở mắt ra đường là thấy cộng sản trá hình rồi. Nó báo trước bước mở đầu của cộng sản, dọn đường cho cuộc xâm chiếm miền Nam đã đến gần với nhiều tác phẩm như cảnh báo.

Sự cảnh báo hiểm họa cộng sản đã được chuẩn bị từ trước mà ít ai lưu tới.

Chẳng hạn cuốn của bà Suzanne Labin Vietnam. Révélations d’un témoin.(Việt Nam, những tiết lộ của một nhân chứng).

Bác sĩ Thomas Dooley: Deliver us from Evil. The Story of Viet Nam’s figth to Freedom. (Thoát ly hỏa ngục. Câu truyện của cuộc tranh đấu cho tự do của Viet Nam.)

Trong cuốn: “Nửa thế kỷ Việt Nam”, nhà báo Song Nhị đã đưa ra một danh sách gồm 17 người bị cộng sản lên án tử hình gồm các sinh viên như Phạm Quân Khanh, Phạm Hưng, Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Nguyễn Văn Tấn (Cao Sơn đã quá vãng), Hồng Nguyên Sỹ.

Anh Song Nhị cũng cũng là một nhân viên của Phủ Đặc Ủy tình báo. Tôi đã điện thoại yêu cầu anh xác nhận. Anh nhìn nhận có phỏng vấn và ghi âm tại San José ngày 23/03/2010 cùng tham chiếu bài viết “Chạm mặt tử thần” của anh Hoàng Xuân Sơn trong vụ ám sát hụt sinh viên Ngô Vương Toại.

Những đóng góp tích cực của những anh em Hồi Chánh

Trong số hàng trăm ngàn Hồi Chánh, nhiều người an phận lo làm ăn sống ẩn dật, nhiều người được tin dùng và tỏ ra tích cực, nhiều người bị nghi ngờ về hành vi không rõ ràng như trường hợp đại tá Phạm Ngọc Thảo. Sau  đó, sau một cuộc đảo chánh bất thành, ông chọn trốn ẩn tại khu định cư công giáo Biên Hòa, bị bắt và bị giết.

  • Trường hợp Lê Tùng Minh.

Theo anh Bạch Diện Thư Sinh (Duật Trần), tác giả cuốn Măt Trận Đại Học cùng làm việc với Lê Tùng Minh tại A.17 cho tôi biết một số hoạt động của Lê Tùng Minh.

Lê Tùng Minh, tên thật là Lê Minh Trung, nhận là tiến sĩ khoa Sử, từng là bí thư cho Trần Bạch Đằng. Trần Bạch Đằng từng nắm giữ chức Bí thư Đặc Khu Ủy Sài gòn-Gia Định. Ông Minh từng viết các bài ca tụng Trần Bạch Đằng như: “Trần Bạch Đằng, người Cộng sản đa tài, nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời” viết tại Đông Bắc Mỹ, ngày 15-06-2007, phổ biến rộng rãi trên Cánh Én. Online.

Lê Tùng Minh còn cho rằng “Trần Bạch Đằng còn nuôi chí lớn để trở thành lãnh tụ cộng sản cấp tiến”. Lê Tùng Minh cho rằng Trần Bạch Đằng bị vắt chanh bỏ vỏ mà những kẻ có quyền lực như Lê Đức Thọ (Trưởng ban Tổ chức Trung ương) và Nguyễn Văn Linh (Bí thư Thành Ủy thành phố HCM) cấu kết với nhau, vứt bỏ một tài năng lãnh đạo, có khả năng vượt qua đầu của họ, nếu Trần Bạch Đằng được vào Trung ương đảng khóa V.

(Theo Lê Tùng Minh, bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc sở Mật vụ cố tìm rượt bắt Trần Bạch Đằng - tự Tư Ánh, nhưng không được. Tư Ánh đã tìm cách trú ẩn tại nhà giáo sư Dương Văn Thới, cha của bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Dưới quyền Tư Ánh còn có sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đày, Đỗ Hữu Nhật, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Minh Triết.) 

Có lẽ vì Trần Bạch Đằng bị thất sủng sau hội nghị Bình Giá  vào năm 1970 và bị hạ bệ vào năm 1972. Vì thế Lê Tùng Minh đã ra hồi chánh và được VNCH đối xử tử tế. Tô Minh Trung đã từng được Trung Tâm thẩm vấn Quốc gia đặt tại số 3, Bạch Đằng (cạnh tòa án Quân Sự Mặt trận Vùng 3, bến Bạch Đằng) thuộc Phủ ĐUTUTB mượn về để khai thác tin tức và thẩm vấn các người mới hồi chánh. Sau đó, như nhiều người bị kẹt lại sau 1975 và ông bị bắt cải tạo sau 14 năm tại các trại cải tạo, rồi được sang Hoa Kỳ năm 1993. Ông định cư tại Tiểu bang Masachusetts.

Khi sang định cư ổn định, một lần nữa, tôi gặp lại ông viết chung với tôi trong tờ báo Đi Tới, chủ bút Đoàn Minh Hóa, một tờ báo có nhiều cây viết từ đủ phía cùng cộng tác.

Về danh tính và một số hoạt động của một số Hồi chánh viên ít người biết tới

Có lẽ, phần đông các Hồi Chánh viên ít người biết tới. Hoặc mới chỉ nghe tên tuổi họ mà không biết con người thực của họ cũng như lý tưởng mà họ đeo đuổi.

Sở dĩ họ ít được nói tới một phần do chính họ muốn dấu tên tuổi hay quá khứ của họ. Phần những người đã về hợp tác với chính quyền quốc gia, họ cũng tránh né thổ lộ danh tánh, gốc gác của họ. Đôi khi họ còn cố gắng xóa bỏ cái quá khứ cựu kháng chiến của mình.

Trường hợp như ông Nguyễn Liệu, một cựu quận trưởng tỉnh Quảng Ngãi, sau này đảm nhận chức Tiểu đoàn trưởng tỉnh đoàn Xây dựng nông thôn. Ông cho biết dưới quyền có 3000 cán bộ xây dựng nông thôn, nếu con số ấy tỉnh tổng quát cho 44 tỉnh thành, con số sẽ là 132.000 người làm công tác xây dựng nông thôn. Cũng theo ông Nguyễn Liệu, Quảng Ngãi là một tỉnh mất an ninh nhất, dân chúng đói khổ nhất đến 90% phải chen chúc trong các trại tạm cư. Ông tâm sự, nhiều lúc ông xấu hổ vì bó tay trước những đói khổ và bất bình của dân chúng.

(trích: Nguyễn Liệu, Đời Tôi, Hồi ký, nxb Tiếng Quê hương,)

Những hồi chánh viên do họ có nhiều kinh nghiệm sống chung với nông dân ở nông thôn, họ được tin tưởng và được trao những trách nhiệm lớn như Tổng trưởng, giám đốc, hoặc nắm giữ những chức vụ then chốt trong chính quyền miền Nam.

Trong số những Hồi chánh viên ấy ở nhiều vai trò và cấp độ như: Thượng Tá Tám Hà, tức Trần Văn Đắc, Chính Ủy Sư đoàn 5, Trung tá Huỳnh Cự, Trung tá Phan Văn Xướng, trung tá Lê Xuân Chuyên, bác sĩ Đặng Tân, ca sĩ Bùi Thiện, ca sĩ Đoàn Chính (Con nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), diễn viên Cao Huỳnh, Mai Văn Sô (em Mai Văn Bộ).

Trong giới cầm bút có Hà Thúc Cần, Vy Thanh, Lê Tùng Minh, Kim Nhật - tác giả cuốn Về R. (Rất nên đọc về phần tài liệu, NVL) Và nhất là nhà văn Xuân Vũ, Dương Đình Lôi.

Trong giới quân đội nổi tiếng có Trần Ngọc Châu, Phạm Ngọc Thảo. (Cả hai ông đều được ông Diệm bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa) và Nguyễn Bé được người Mỹ nể trọng. Ngoài ra, còn có những người cựu kháng chiến về thành trước 1954:

  • Đó là trường hợp các ông Trần Chánh Thành, cựu bộ trưởng thông tin. (Sau 1975, ông đã quyên sinh khi cộng sản nắm chính quyền).
  • Rồi cụ Huỳnh Văn Lang mà tôi có những liên lạc lâu dài như tình đồng chí.
  • Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đã một thời theo kháng chiến. Nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi có một số bài viết về ông.
  • Nhà văn Võ Phiến.

Tôi cũng xin nêu một trường hợp tác giả Vy Thanh mà tôi có liên lạc và quen biết, sau này ông có viết hai tác phẩm: Lớn lên với đất nước, tủ sách Sự thật, 2006 và cuốn Hồ Chí Minh cứu nước, 2015.

Tôi mong muốn rằng cuốn Lớn lên với đất nước là những tài liệu nói lên thực trạng kháng chiến Nam bộ. Nó bổ túc cho những cuốn của Xuân Vũ thường chú trọng nhiều đến cán bộ miền Bắc.

Thật ra chính sách chiêu hồi không mới mẻ gì mà đã được áp dụng từ ông Ngô Đình Cẩn và Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tôi xin trích dẫn một đoạn trong một bài nói chuyện của ông Ngô Đình Cẩn với các cán bộ của ông: ”Nhiệm vụ chính của Đoàn không phải là lùng sục để bắt cán bộ cộng sản. Mà là phát hiện, phát giác rồi chiêu mời các anh em ấy về hợp tác, cùng với mình xây dựng đất nước, cải tạo cái xã  hội lạc hậu bất công này”.

(Trích bài nói chuyện của ông Cẩn trong dịp tết, dạng photocopy).

Ông Ngô Đình Cẩn được coi như một người học vấn sơ sài nhất trong đám anh em ông Diệm. Nhưng lại có một cái nhìn sáng suốt nhất và hiểu cái lý lẽ thành bại, sống còn trong một cuộc chiến tranh toàn diện - không phải chỉ có súng đạn - một cái nhìn xa và bao quát thực tiễn của một người làm chính trị. Tôi đã dành mười bài chỉ để viết về ông Ngô Đình Cẩn và phản bác những dư luận phê phán, bôi bác thiển cận về ông mà phần lớn do cộng sản tuyên truyền.

Điếu ấy cững rơi vào trường hợp bà Ngô Đinh Nhu bị bôi bẩn một cách thô tục cho đến tận bây giờ, các kênh truyền hình nhà nước tiếp tục ra rả bôi bẩn.

Tôi chỉ lưu ý mọi người câu nói để đời của của TT. Nguyễn Văn Thiệu:” Đừng nghe những gì cộng sản nói. Mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”.

Đường lối ấy, sau này được áp dụng một cách quán triệt và rộng rãi trong các chương trình đào luyện các cán bộ Xây dựng nông thôn. Ông vượt trội cả những giải pháp hàng rào điện tử của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mcnamara.

Với ông Ngô Đình Cẩn, bỏ mất nông thôn là mất thành thị rồi dẫn đưa tới thua cuộc.

Sau này các nguyên tắc ấy được áp dụng triệt để:

Chiêu hồi không phải là bắt người mà là biết dùng người.

Một lần, Tổng thống Diệm đã dẫn một phái đoàn đến thăm tỉnh Quảng Ngãi, tại ấp Thạch Thăng, tại quận Mộ Đức cùng với một số cố vấn Mỹ. Ông Kelly là người có mặt hôm đó và đã chứng kiến, sau đó đã viết thư cho ông Frank Scotton như sau: “Nếu an ninh ở chỗ khác cũng được như ấp Thạch Thăng hôm nay, thì cuộc chiến đã được kết thúc”.

(Trích Frank Scotton, Uphill Battle, bản dịch của Phan Lê Dũng. Việt Nam, Cuộc chiến leo dốc.)

Phần này là những lời vinh danh không thừa dành cho ông Ngô Đình Cẩn.

*Hồi Chánh viên tận tụy và lý tưỏng mà nhân cách ít ai sánh bì.

“Ông Nguyễn Bé sinh vào tháng 9 năm 1929, tại tỉnh Thừa Thiên, có chỗ ghi ở tỉnh Quảng Trị. Số quân 49201-458, nhập ngũ ngày 1-7-1952. Xuất thân trường Võ bị địa phương Huế, còn trẻ từng là một sĩ quan phục vụ phía bên kia. Sau đó hồi chánh, cấp bậc cuối cùng của VNCH là đại tá, chỉ huy trưởng Trung Tâm Xây Dựng Nông thôn, Vũng Tàu. Di tản trước 1975, hiện định cư tại Nam California. Và từ trần cũng tại nơi đây.”

(Trích: Lược sử quân lực VNCH. Các tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy. nxb Hương Quê, 2011, trang 505.)

Tiểu sự quân vụ chỉ nói tóm tắt như thế. Nhưng Frank Scotton, nhân viên của Phòng Thông tin Hoa Kỳ có một thời gian dài làm việc ở Việt Nam trong vai trò Dân Sự Vụ vừa Quân sự. Nhờ đó F.Scotton đã có nhiều dịp làm chung với Thiếu tá Bé. Scotton đi nhiều, chịu khó xông xáo nên có nhiều nguồn tin và cung cấp các dữ kiện thông tin ấy cho phái bộ quân viện MACV, hoặc cho sở Tình Báo hoặc cho tòa Đại sứ Hoa Kỳ.

Ông cũng chính là tác giả cuốn Uphill Battle. Ông đã hai lần bị sốt xuất huyết và viêm gan. Ông cũng đã thoát chết nhiều lần khi chạm súng với địch và chết hụt khi trực thăng rớt. Và mỗi chuyến đi, mỗi tiếp xúc lại cho ông thêm một bài học.

Nhưng ông cho rằng, nỗi nguy hiểm mà ông phải đối đầu không thể so với mỗi tiếp cận thường trực lâu dài và nỗi nguy hiểm và những hy sinh nơi những người mà ông đã gặp.

Người viết xin ghi lại một vài trích đoạn trong lời nói đầu như sau:

Rất nhiều ghi chú trong nhiều chương đầu là về tình trạng của một ấp nằm sâu trong các tỉnh Bình Định, Long An, Quảng Ngãi, Châu Đốc hoặc các tỉnh khác, đôi khi tôi cũng có nhìn lên, nhưng đa số ghi chú đều là những gì ngay bên cạnh đời sống của tôi lúc đó.”

(Frank. Scotton. Bản dịch Cuộc chiến leo dốc của Phan Lê Dũng, trang 22-23)

Ngày nay, nhìn lại cuộc chiến ở miền Nam cho tôi hiểu rằng cuộc chiến ấy thắng thua không chỉ nhìn từ các đô thị mà nhìn từ chốn thôn quê hẻo lánh của dân nghèo.

Dĩ nhiên, không thể nào có một cái nhìn đầy đủ, trung thực, bao quát trọn vẹn cuộc chiến vừa qua. Những mỗi yếu tố đều là những nhân tố đưa đến sự thua trận.

Phần tác giả khi viết cuốn sách này chỉ muốn bày tỏ sự trân trọng đến tất cả những người Mỹ hay người Việt mà ông đã gặp và  không thể nào quên được họ.

Trong số ấy có Nguyễn Bé.

Cũng chính nhờ những chuyến đi ấy, ông có thêm những người bạn thân tín như Nguyễn Tùy, John Paul Vann, Nguyễn Bé, Philip Werbiski, Nguyễn Duy Bé, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Thị Kim Vui.. vvv.

Như chúng ta đã biết, Nguyễn Bé, lúc còn thanh niên lúc 20 tuổi, từng là cấp chỉ huy một đơn vị quân đội trong hàng ngũ Việt Minh chống Pháp. Nhưng đến năm 1965, ông đã từng là Thiếu tá Phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Định, phụ trách các họat động bình định nông thôn.

Chính trong thời gian này, ông Bé có cơ hội làm việc chung với Frank. Scotton cũng là người hết lòng yểm trợ cho Nguyễn Bé.

Lúc bấy giờ Đại tá Đào Trọng Tường là Tỉnh trưởng theo thói quen khi gặp người Mỹ đã nêu những khó khăn với có vấn Mỹ  thuộc cơ quan JUSPAO khi họ tới thăm như trường hợp ông  F. Scotton.

(Đại tá Đào Trọng Tường, sinh năm 1935, tại Thái Bình, xuất thân trường Võ bị Đà lạt. Chúc vụ cuối cùng là đại tá đặch trách ĐPQ và NQ, quân khu I. Bị tù cộng sản 13 năm. Sau định cư tại San Diego, qua đời 26-11-2011.)(Trích Lược sử quân lực VNCH. Ibid)

Ông Carl đã nhẹ nhàng khước từ ý kiến của đại tá và trả lời: ”Tôi không đến đây để liều mạng. Ông Tường ngạc nhiên không rõ ý ông Carl và nói ông cần trở về văn phòng.” (Bản dịch trang 280. Ibid).

Khi đại tá Tường đi khỏi, thiếu tá Bé đã dẫn ông Carl tới thăm một  đơn vị pháo binh, sau đó đưa ông Carl tới thăm một đội giảng viên đang huấn luyện một đội thông tin lưu động ở một ấp không xa, cách trụ sở quận Tuy Phước một cây số, đồng thời trình bày cho ông Carl một buổi tập kích về ban đêm ở chung quanh ấp”.

Khi ông Bé làm việc ở Bình Định, ông còn phải đụng đầu với vấn đề tham nhũng công khai ngay ở cảng Quy Nhơn như sau. Các quân cụ của Sư đoàn I không kỵ cũng như sư đoàn Đại Hàn sau khi nhập bến cảng thì nhiệm vụ chuyển vận của hợp đồng chỉ đến cảng là xong nhiệm vụ. Sau đó là có những thất thoát mà hãng chuyển vận như Han jin không còn có trách nhiệm nữa.

Việc tham nhũng thứ hai là khi xây cất căn cứ không lực ở Phù Cát, các viên chức của đại tá Tường đã cho vào danh sách nhiều tên gia đình thêm vào danh sách để nhận tiền bồi thường khi họ được chuyển đi nơi khác. Và  người ta không khỏi ngạc nhiên là  các  xã này có đông dân cư nhất trên toàn cõi Việt Nam.”

(Trích Frank Scotton. Viet Nam. Cuộc chiến leo dốc,. Ibid, trang 298).

Đoạn văn này cho thấy thiếu tá Bé là người chủ xướng các lớp huấn luyện cho cán bộ  về nông thôn về thông tin, một việc mà các ông phó tỉnh khác thường không mấy lưu tâm. Có thể chỉ những người như thiếu tá Bé mới hiểu tầm mức và vai trò của cán bộ nông thôn. Nhưng vì không có sự yểm trợ từ chính quyền, ông phải tự lo và tổ chức các lớp huấn luyện cho các cán bộ nông thôn. Trường hợp này cũng giống trường hợp ông Nguyễn Liệu ngoài Quảng Ngãi đã tự đề xướng ra một chương trình huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn và gọi đó là chương trình về làng. Và còn đề xướng lập một ngôi trường “ Quảng Ngãi Nghĩa Thục” cho tất cả các học sinh nghèo, không phân biệt tôn giáo và chính trị.(anh Nguyễn Liệu có viết cuốn Hồi Ký: Đời tôi..)

Ngoài công việc xây dựng cán bộ nông thôn thiếu thốn đủ mọi phương tiện, thiếu tá Bé còn phải đối đầu với tệ nạn tham nhũng trong tỉnh. Nhưng ông là người cực kỳ liêm chính..

Sau này, trung tá Nam được điều động giữ chức Trưởng khối Hành chánh, Tài chánh. Ông đã kể lại giai đoạn làm việc dưới quyền đại Tá Bé cho người viết bài này nghe trong niềm kính phục về cuộc sống đơn giản, gần gũi với các cán bộ. Bản thân đại tá Nguyễn Bé cực kỳ liêm chính, không tơ hào mặc dầu được người Mỹ cung cấp đầy đủ mọi phương tiện. Phu nhân thiếu tá Bé phải bán thêm thuốc lá để độ nhật.

Rất may cho thiếu tá Nguyễn Bé được người Mỹ hỗ trợ, trong đó có việc bảo vệ ông khỏi bị hãm hại trong chính quyền tham nhũng ở tỉnh.

Có nguồn tin, thiếu tá Nguyễn Bé bị ám hại. Người Mỹ lo sợ cho tính mạng của ông đã đưa ra kế hoạch là dùng trực thăng chở Nguyễn Bé lên Pleiku, bản doanh quân đoàn II của tướng Vĩnh Lộc. Và họ cũng thừa hiểu rằng, Vĩnh Lộc cũng nằm  trong đường giây tham nhũng ấy. Nhưng chắc chắn khi gặp Nguyễn Bé tướng Vĩnh Lộc bề ngoài ra mặt bảo vệ Nguyễn Bé hơn là để lộ ra ông cũng dự một phần trong vụ ám sát Nguyễn Bé.

(Tướng Vĩnh Lộc (1923-2009), tốt nghiệp trường võ bị của Pháp - thiếu úy sĩ quan cận vệ của Bảo Đại. Ngày 29/04 được Dương Văn Minh cử giữ  chức vụ  Tổng Tham Mưu trưởng Quân lực thay thế tướng Đổng Văn Khuyên. Nhưng chỉ một ngày sau, sáng 30-4, ông rời bỏ Việt Nam trên Tuần dương hạm Tây Sa HQ-615. Hiện ông định cư ở Houston, Texas.

(Trích Lược sử quân lực,ibid, trang 172)

Theo Francis Scotton tường thuật lại:

Thiếu tá Charles, chỉ huy trưởng không quân đồng ý cấp một chuyến bay đặc biệt đến Pleiku. Tôi đưa ông Bé ra sân bay để ông ẩn mình dưới tấm Poncho sau xe jeep và chúng tôi lái thẳng tới máy bay, nơi thiếu tá Francis đang đợi.

Hôm sau tôi đến Pleiku và xin gặp tướng Vĩnh Lộc. Sự khinh miệt của ông đối với các bộ lạc ở Cao nguyên và sự hẹn hò với một nữ ca sĩ ở Sàigon là điều đa số mọi người đều biết.

Tôi nói trực tiếp với ông ngắn gọn, nhưng  không có ý tố cáo, rằng bất cứ cuộc thanh tra nào cũng sẽ cho thấy mức hối lộ ở Bình Định đang làm hại Quốc Gia bằng cách cho phép cộng sản tuyên bố họ thanh liêm. Cuộc thanh tra cũng sẽ cho thấy sự tham nhũng của tư lệnh Sư đoàn 22 và tỉnh trưởng.

Vị Tư lệnh Quân Đoàn có thể chứng minh sự thanh liêm của  ông bằng cách bảo vệ thiếu tá Nguyễn Bé và chỉ định Tư lệnh mới cho Sư đoàn 22. Tôi xác định với ông Vĩnh Lộc rằng sự lo lắng của tôi hoàn toàn vì danh tiếng của ông.”

(Frank Scotton, ibid trang 303-304).

Sau đó thì tướng Sang bị đổi và tướng Nguyễn Văn Hiếu, một vị tướng được coi là có kỷ luật và nổi tiếng liêm khiết nhất trong hàng tướng lãnh lên thay thế. Rất tiếc sau này tướng Hiếu bị giết hay tự tử vào ngày 8-4-1975 tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa.

Đại tá Nguyễn Bé, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Cán bộ Xây dựng nông thôn

Khi còn ở Quảng Ngãi, thiếu tá Nguyễn Bé đã chủ trương đổi các chương trình huấn luyện biệt kích nhân dân ở Quảng Ngãi năm 1964 để huấn luyện hoạt động bình định. Thời gian 1964 cho thấy, ông đã hoạt động ở Quảng Ngãi trước khi ông Nguyễn Liệu được đề cử làm Tỉnh đoàn trưởng tỉnh đoàn xây dựng nông thôn, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1966-1967.

Về sau các hoạt động tự khởi xướng này trở thành các đội xây dựng nông thôn.

Không hiểu do cùng xuất thân từ trong lòng chế độ cộng sản mà trung tá Trần Ngọc Châu cũng như thiếu tá Nguyễn Bé có chung một đường lối họat động có nghĩa lấy nông thôn làm gốc và có các chương trình phát triển nông thôn. Đường lối ấy cũng hòa hợp với quan điểm của người Mỹ lúc ban đầu. Họ đã hân hoan và yểm trợ hết mình  ông  Nguyễn Bé.

Nhưng sự can thiệp thuần tuy quân sự bằng các đại đơn vị dần dần lấn át. Nhưng người Mỹ đã thất bại vì không thể nào ngăn cản được các căn cứ hậu cần xuất phát từ bên Kampuchia cũng như các đường mòn thông qua Lào.

Và cứ như thế, quân đội Bắc Việt và Mặt trận giải phóng miền Nam đánh quỵ ý chí cam kết của người Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Các cơ quan DÂN SỰ VỤ và  Phát triển nông thôn MACVORDS là một nỗ lực không đồng bộ - giữa truy kích và bình định - của người Mỹ không đi đến một kết quả hữu hiệu như mong muốn.

Việc can thiệp quân sự bằng số lượng vũ khí áp đảo bề ngoài xem ra thành công.. Nhưng nhiều vùng đông dân cư đã được ổn định về quân sự vẫn có những khoảng trống và vùng ranh giới bỏ ngỏ vì thiếu một sự can thiệp chính trị để thu phục nhân dân.

Các cơ quan Dân Sự là chỗ bổ khuyết cho những tham vọng quân sự vẫn chưa được quan tâm cho đủ cả về phía Mỹ lẫn Việt Nam.

Thật vậy, chúng ta đã có nhiều trường huấn luyện quân sự  cho cấp sĩ quan và binh chủng chuyên môn. Nhưng vẫn thiếu một Trung Tâm để đào tạo cán bộ cho nông thôn.

Khi thiếu tá Bé đuộc điều động về Vũng Tàu làm Chỉ huy trưởng Trung tâm  huấn luyện Xây dưng nông thôn là đã trễ. Trước đó, tại Vũng Tàu đã có một Trung tâm huấn luyện cán bộ có tên là  BIỆT CHÍNH.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trong một Hồi ký có tên: Cát Lở, 50 năm nhìn lại. Ông đã có thời kỳ làm huấn luyện viên tại Trung tâm này dưới quyền chỉ huy của ông Lê Xuân Mai, rồi đến Lê Văn Thinh, Trần Ngọc Châu, sau cùng mới đến Thiếu tá Bé..

(Xem thêm: Hồi ký Cát Lở, 50 năm nhìn lại.. Newvietart..).

Chắc hẳn, từ khi Nguyễn Bé làm chỉ huy trưởng đã có nhiều thay đổi và đã phát triển mạnh.. Từ mùa thu 1966, khi trung tâm này được mở, đã có gần 40.000 cán bộ được huấn luyện trong Phong trào Phát triển nông thôn..

Trung bình có 8000 anh em cán bộ nông thôn trong mỗi khóa học được huấn luyện trong 12 tuần lễ trước khi trả họ về nông thôn.

Việc huấn luyện nhằm mục đích sau đây:

  • Các cán bộ này được huấn luyện làm thế nào để tổ chức các làng xã, dạy cho người dân các phương pháp canh tác, chăn nuôi có hiệu quả, từ đó tạo mối liên hệ tốt giữa chính quyền và dân chúng.
  • Họ còn học hỏi làm thế nào thay đổi cái đầu của người dân, thay đổi lối suy nghĩ của người dân trước đây, thuyết phục mọi nguời cộng tác để xây dựng hạnh phúc, an toàn, ấm no cho mọi người.
  • Đồng thời phải tìm cách ngăn chặn mọi sự phá rối của cộng sản.
  • Riêng ông Nguyễn Bé, ăn mặc như người nông dân, tham gia trực tiếp, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với cán bộ và khóa sinh. Họ phải tự xây dựng nhà ở cho chính mình trong khu rừng Chí Linh, tự quản trị việc nấu nướng, sinh hoạt trong trại…
  • Theo một số Hồi ức của một sô cựu khóa sinh, trong đó có nhiều khóa dành cho nữ giới.. Những ngày huấn luyện tuy cực nhọc, kham khổ, nhưng là những ngày tràn đầy vui tươi, hy vọng của tuổi trẻ như sau.
  • Là nữ cán bộ HCLD/THC tỉnh được cải tuyển qua chương trình XDNT để hướng dẫn công tác hành chánh xã, ấp tại địa phương. Tôi phải đi thụ huấn Khóa 3/66 vào tháng 10/66. Vì khóa này tập trung khoảng 400 nữ. Đến ghi danh tại trại Lam Sơn TTHLCB/XDNT/TƯ Vũng Tàu. Tôi được ‘Cán bộ dẫn đạo” đón tiếp, đi nhận vật dụng cá nhân để dùng trong thời gian thụ huấn 12 tuần. rồi đưa đến phòng nghỉ ngơi và ở luôn tại đó..
  • Cũng xin nhắc thêm, trại Lam Sơn nằm trên quốc lộ 15, từ Bà Rịa đi Vũng Tàu. Trước đây là nơi đào tạo Cán Bộ BIỆT CHÍNH. CHT là thiếu tá Lê Xuân Mai. K.8 võ bị Đà Lạt. Về sau này, trại Lam Sơn thuộc Trung Tâm Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Trung Ương. Bs Hoàng Đình Bảng là trại trưởng kiêm trưởng bệnh xá Lam Sơn Trung Tâm Huấn Luyện CB/XDNT/TƯ.
  • “Buổi lễ mãn khóa Cán Bộ XDNT Nữ tại rừng Chí Linh Vũng Tù chấm dứt trong niềm vui bất tận.. Tôi chia tay với Chỉ huy trưởng, T/Tá Nguyễn Bé, bác sĩ Hoàng Đình Bảng, huấn luyện viên cơ bản thao diễn TQLC Đào Khắc Ty, HLV y tá Nguyễn Văn Nhựt, HLV quân sự, giảng viên chính trị… Cán bộ dẫn đạo và khóa sinh Nữ, Tiểu Đoàn 8  Trưng  Vương.
  • Sau ba tháng gian khổ để cùng sống bên nhau để tiếp thu một chương trình rất hữu ích. Thời gian như bóng qua cửa sổ, thấm thoát đã gần 49 năm, gần nửa thế kỷ,
  • Tuổi đời đã thất thập cổ lai hy khi nhớ về dĩ vãng, kỷ niệm xưa, nơi mình đã sinh ra, lớn lên và cống hiến cho đời.. nhớ rừng Chí Linh- Lam Sơn-Hồng Lĩnh Vũng Tàu đã đào tạo  CBXDNT VNCH mà tiêu biểu là xây dựng một “Ấp Đời Mới” cho nông thôn Việt Nam thanh binh, thạnh trị như hình thức “đem dân về với chính quyền  Quốc gia mà giảm bớt dùng đến súng đạn”.
  • Quê HƯƠNG KBC 6258 GĐCB/ XDNT*, Bắc Cali)

Thay cho lời kết

Những nỗ lực và chính sách bình định của Đệ Nhất Cộng Hòa là đứng đắn. Việc xử dụng những kháng chiến cũ cũng như những chương trình Ấp Chiến Lược hoặc những danh xưng khác như khu Dinh Điền, khu trù mật trở thành chính sach nhà nước. Thời giờ đi kinh lý của ông Diệm có thể nói dành toàn thời gian  cho việc đi quan sát các vùng nông thôn, các khu Dinh Điền hay Ấp Chiến Lược.

Chính sách không sai. Nhưng có thể phần đông giới quân sự Mỹ đặt nặng ưu tiên cho giải pháp quân sự thay vì dân sự như nhận xét của F.Scotton sau đây:

“Sau đó, sau cuộc luận bàn với ông Heymann và Dick Moorstein, tôi nói rõ ràng với hai ông rằng, mặc dầu có cơ quan điều phối  DÂN SỰ VỤ và Xây dựng Nông thôn (CORDS). Giải pháp của chúng ta đối với cuộc chiến vẫn là phân đôi giữa hai nỗ lực: “truy kích cộng sản” và “ Bình định”.

(Frank Scotton, ibid, trang 362.

Vấn đề không phải là ưu tiên hay tách biệt vấn đề  Quân sự và Dân sự. Vấn đề là thiếu một phối trí nhịp nhàng, ăn khớp và bổ túc linh hoạt.

Những cố gắng trở thành thiếu hiệu quả của ông Diệm, Nhu, Cẩn chỉ vì người Mỹ cố vấn thuộc loại cao cấp không hiểu rõ sâu xa tình hình Việt Nam.

Sự mâu thuẫn sâu xa giữa chế độ miền Nam bắt đầu từ sự nhận định khác nhau về những đánh giá tình hình cũng như chính sách đề ra của đôi bên không phù hợp với nhau.

Sau này miền Nam thua cuộc. Trách nhiệm ấy người  Mỹ làm đủ chứ không phải ông Diệm hay ai khác.

Những người dã đi sát và gần gũi với ông Diệm là những người từng nếm trải từ kinh nghiệm nông thôn như Frank Scotton, Bob Kelly, Bob Wall, Warner, Billy, Harrisson, Reed vv.. và rất nhiều người khác.

Trong một bữa ăn chung giữa ông Bé, Kelly và Frank Scotton, họ đã thảo luận và đi đến cùng một quan điểm như sau:

Nếu miền Nam muốn là một cá thể chính trị độc lập, không cộng sản, cá thể đó phải đặt nền tảng trên sự tự trị của các ấp. Ông Kelly và tôi đã tìm được  một anh em đồng chí.”

(Frank Scotton, ibid, trang 229)

Một dòng chót dành cho ông Bé. Câu chuyện là có lần ông FranK Scott khoe với ông Bé là được mời tham gia vào Cercle sportif Club. Chúng ta thử dự đoán ông Bé trả lời ra sao? Ông Bé trả lời:

“Nếu vào đó, chắc chắn ông sẽ có nhiều bạn, nhưng tôi không phải là một người trong số đó.”

(Frank Scoton, ibid, trang 229.)

Thật ra cái nhóm đó chỉ là một hình thức phế thải của chế độ thực dân Pháp dành cho dân bản xứ có máu mặt, thuộc loại chính trị salon sau này như Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ. Người làm việc cách mạng thực sự thì chỗ đó không phải là của họ.

Trong một thiệp Giáng sinh 1967, ông Frank Scott đã viết như thế này như bày tỏ tâm tư của ông:

Mục đích chính của cuộc đời tôi là giúp thiếu tá Bé. Ngoài cách giúp ông Bé, tôi nghĩ không còn cách nào tốt hơn để giúp hai quốc gia chúng ta. Tôi tin ông Bé là một người vĩ đại.”

(Frank Scotton, ibid, trang 366-367).

Nguyễn Văn Lục

6-10-2017

Xem tiếp phần 2

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180