Tiếng Việt Trong Sáng : “Tết Ấm Từ Tym” ?

Tiếng Việt Trong Sáng
“Tết Ấm Từ Tym” ?

BP461

Starbucks là một tập đoàn gồm chuỗi cửa hàng và cơ sở rang xay cà phê đa quốc gia của Mỹ có trụ sở chính tại Seattle, Washington. Tập đoàn này được thành lập từ năm 1971 và hiện là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2023 thì Starbucks có tất cả 38.038 cửa hàng: 17.810 ở Bắc Mỹ và 20.228 ở các quốc gia khác ngoài Bắc Mỹ. Riêng tại Canada có 1.454 cửa hàng và 100 cửa hàng tại Việt Nam.


Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, Starbucks Việt Nam đã khai triển nhiều hoạt động hấp dẫn với thông điệp “Tết Ấm Từ Tym" cùng nhiều ưu đãi dành cho khách hàng. Thông điệp lạ mắt với lỗi chính tả sơ đẳng không thể chối cải (hay không cần dấu diếm?) là đã viết sai từ “Tim” thành “Tym”. Chuyện tranh luận giữa các học giả hơn trăm năm chưa có hồi kết thúc về ngữ pháp tiếng Việt, chung quanh việc dùng chữ ‘y’ hay ‘i’ là điều không lạ với chúng ta. Tuy nhiên, cả hai phe trong những tranh luận đó đều công nhận, rằng từ ‘tim’ viết đúng chính tả là dùng ‘i’ ngắn, không phải ‘y’ dài như trong thông điệp mà Starbucks Việt Nam đưa ra. Với tài lực và vốn điều hành hàng đầu của tập đoàn thì lỗi chính tả sơ đẳng này là điều không thể. Vậy thì lý do gì mà Startbucks VN đưa ra thông điệp sai chính tả như vậy? Bị ông ứng bà hành, hay nghe lời một quân sư quạt mo người Việt nào đó bày trò dị đời để gây chú ý mọi người, từ đó cũng sẽ giúp tăng hiệu quả trong hoạt động khuyến mại của họ? Cần nói thêm là khi chúng ta bỏ thời giờ để bàn đến điều này thì kể như là hoạt động khuyến mại của Starbuck đã gây sự chú ý cho chúng ta rồi. Đó là chưa kể tôi cũng bỏ công tò mò hỏi ông Google bằng từ khóa (key word) “Tết Ấm Từ Tym” thì được ông cho biết là có khoảng 2.680 trang web có nội dung liên đới đến từ này.


Tôi thử lướt qua một vài trang web mà ông Google đưa thì đã bất ngờ khi bắt gặp không ít người trẻ ở VN hân hoan đón nhận hình thức khuyến mại này của Starbuck, thậm chí còn chụp hình và thêm các từ khác như ‘Tym xinh”, “tym xanh” v.v.





(“Tym xanh” tinh nghịch được ghi nhận trong lễ tình nhân (14 tháng 2) và ngày phụ nữ quốc tế (8 tháng 3) thì không thể nói rằng thông điệp “Tết Ấm Từ Tym” chỉ là chút dị đời khuyến mại và dừng lại vào dịp Tết vừa qua. Vì rõ ràng hệ lụy của nó vẫn còn theo cho đến lúc này như đã thấy).

Không rõ những người trẻ VN hân hoan đến với thông điệp khuyến mại “Tết Ấm Từ Tym” của Starbucks là vì nó lạ mắt, khác thường (nếu không nói là lập dị) hay vì những ưu đãi dành cho khách hàng của Starbucks? Nhưng xin đừng ngụy biện mà nói rằng họ đã hân hoan như vậy vì tán đồng với sự cải tiến và làm mới chữ viết mà thông điệp này là một ví dụ. Cải tiến, làm mới để tiến bộ là điều rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ích lợi gì có được cho tiếng Việt khi thay chữ “Tim” bằng “Tym” như trong thông điệp này? Nếu chữ “Tim” có thể tùy tiện viết thành “Tym” thì tất cả những từ trong tiếng Việt có chứa âm “im” ở sau các phụ âm, sẽ có thể thay thành “tym”, chẳng hạn như:

- “tóc bím” thành “tóc bým” (xin lỗi những cô gái có bím tóc dễ thương vì tôi không có ý sửa “bím” quen nhìn thành “bým” kỳ hoặc đâu).
- “Bìm bịp” thành “Bỳm bịp”.
- “Con chim” thành “Con chym”.
- “Chìm lĩm thành “Chỳm lỹm”.
- “Ghìm chặt” thành “Ghỳm chặt”

- “Cái hĩm” thành “Cái hỹm” (sự sửa đổi này chắc sẽ gây nhiều phản cảm cho người dân miền Bắc đây).
- “Con nhím” thành “Con nhým”
- “Mím môi” thành “Mým môi”
- “Mĩm cười” thành “Mỹm cười”
- “Cháu bé mũm mĩm” thành “cháu bé mũm mỹm”

- “Màu tím hoa sim” thành “Màu tým hoa sym” (thi sĩ Hữu Loan có lẽ sẽ không còn thi hứng để viết ra bài thơ để đời “Màu tím hoa sim” nữa nếu chữ viết Việt đã trở thành kỳ dị như vậy).
- “Phím đàn” thành “phým đàn” (nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng Nguyễn Ánh 9 chắc cũng khóc thét lên và mất hết cảm xúc để viết nhạc nữa khi những “phím đàn” lãng mạn quen thuộc biến thành “phým đàn” kỳ lạ.
- “Phim ảnh” thành “Phym ảnh” (những nhà làm phim Việt sẽ cùng một cảnh ngộ như nhạc sĩ, thi sĩ).
- “Kim” thành “Kym” (xin lỗi các cô gái tên Kim).
- “Kim loại” thành “Kym loại”.

- “Tìm tòi” thành “Tỳm tòi”
- “Chết lịm” thành “Chết lỵm” (thơ của tôi sẽ không còn chết “lỵm” với những tà áo trắng thiên thần nữa vì “trái tym” đã thành xa lạ từ lúc nào).
- “Chú thím” thành “Chú thým” (những bà thím chắc sẽ buồn lắm).
- “Im lặng” thành “Ym lặng” (tôi sẽ hoài nghi về sự “ym lặng” này).

Chỉ chừng ấy thôi đã não nề lắm rồi. Lợi ích ở đâu chưa thấy nhưng tai hại thì đã trùng điệp trước mắt. Nếu chi là chuyện lập dị ngẫu hứng thì còn châm chế được. Nhưng hình thức khuyến mại của Starbucks VN với sự cố tình viết sai chính tả cái lỗi sơ đẳng như đã thấy đủ khiến người ta phải suy nghĩ và đặt vấn đề. Thương hiệu Starbucks có hàng trăm ngàn cách để khuyến mại, tại sao phải méo mó chữ viết Việt mà số phận của nó cũng đáng buồn như số phận của bao nhiêu thế hệ người Việt đã gắn liền với nó trong suốt vận mệnh nổi trôi của đất nước hàng thế kỷ qua? Tại sao phải khuyến mại như vậy?! Nói đến sự tùy tiện về chữ viết trong ngôn ngữ thì tôi xin đưa ra 2 trường hợp đã xảy ra ở Canada để các bạn cùng tham khảo và suy nghĩ.

1. Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước thì ở Canada, người ta vẫn còn dùng từ “Man Power” trong các văn kiện của chính phủ cũng như bảng treo trước văn phòng Sở Nhân Lực. Tuy nhiên, với sự gia nhập và phát triển của lực lượng lao động nữ trong mọi ngành nghề của xã hội thì từ “Man Power” không còn phù hợp nữa (vì nhân lực của đất nước không chỉ là phe đàn ông) và vấn đề được đặt ra đòi hỏi phải sửa tên cho đúng, để phản ảnh các nguồn nhân lực thực sự của đất nước. Từ đó, từ “Human Resources” được dùng thay thế cho “Man Power” để chỉ Sở Nhân Lực của Canada. Tôi trộm nghĩ rằng Starbucks Canada, dù có cả ngàn cửa hàng thì cũng sẽ không tùy tiện dám khuyến mại với thông điệp, đại khái như “New Year new Man Power”. Thông điệp kiểu như vậy kể như chọc vô ổ kiến lửa kỳ thị và chắc chắn sẽ khiến hàng trăm hội đoàn bảo vệ nữ quyền khắp đất nước Canada sẽ lên tiếng kêu gọi mọi người tẩy chay StarBucks liền. Tệ hại hơn là có thể có kiện tụng vì StarBucks Canada đã hô hào sự kỳ thị chống lại phe quí bà qua thông điệp khuyến mại đáng nguyền rũa đã kể.

(What is the politically correct version of manpower?
In more recent times, it has yielded to gender-neutral synonyms, such as labour force, workforce, or human resources).

2. Nơi trân đấu bóng rổ cấp quốc gia giữa hai đội Giannis và Lebron tại sân đấu Vivint thuộc tiểu bang Utah của Mỹ ngày 19 tháng 2, 2023, nữ ca sĩ Jully Black hát quốc ca mỗi nước (Hoa Kỳ và Canada) để chào quốc kỳ trước khi trận đấu bắt đầu. Trong phần hát quốc ca Canada thì nữ ca sĩ đã thay đổi chữ “and” thành chữ “on” nơi câu đầu của bài hát: "O Canada! Our home and native land!" thành "O Canada! Our home on native land" để vinh danh thổ dân ở đây trước khi người Âu châu đặt bước chân của họ trên mảnh đất này. Viêc sửa đổi lời bài hát quốc ca này nơi nước Mỹ nhưng đã nhận được sự chú ý của người dân Canada, đặc biệt là người thổ dân (Indigenous people) ở Canada.

(- The Juno Award-winner had swapped out one word in the anthem's usual opening line "O Canada! Our home and native land!" with "O Canada! Our home on native land" to recognize the Indigenous people who lived on the land before European settlers.
- 'Our home on native land': how one small lyric change caught the country's attention

Jully Black sings prior to the 2023 NBA All Star Game between Team Giannis and Team LeBron at Vivint Arena on Feb.19, 2023 in Salt Lake City, Utah. (Tim Nwachukwu/Getty Images)

Sự thay đổi lời bài hát ở đây của ca sĩ đã gây phản ứng nơi một số người nhưng hiệp hội AFN (Assembly of First Nations) của thổ dân thì gởi lời tri ân cô cũng như gởi cô áo da chim ưng và cái mền tượng trưng cho danh dự tối cao mà một người trong bộ tộc thổ dân có thể nhận được.

Jully Black was given an eagle feather and blanket by the Assembly of First Nations after she amended the Canadian national anthem at the NBA All-Star Game in February.


Có lẽ nguyên nhân chính mà AFN gởi lời tri ân đến ca sĩ cũng như đa số người dân Canada lẫn chính phủ, đã hoan nghênh việc sửa đổi của ca sĩ với mục đích nhìn nhận và vinh danh thổ dân, những người thật sự là chủ nhân của vùng đất ở đây, là từ sau những phát hiện vào khoảng 2020 về những nấm mồ tập thể của các trẻ em thổ dân ở các trường nội trú do chính quyền liên bang vận hành. Có tất cả 140 trường nội trú như vậy vận hành từ 1867 đến 1996 trên khắp Canada. Những nấm mộ tập thể được tìm thấy ở các trường nội trú này trên nhiều tiểu bang ở Canada. Cuối cùng một thỏa thuận tạ lỗi và bồi thường giữa chính phủ của thủ tướng Trudeau đã được ký với đại diện hiệp hội các thổ dân. Và thủ tướng Trudeau cũng phê chuẩn công nhân ngày 30 tháng 9 hàng năm, bắt đầu từ năm 2021, sẽ là ngày nghĩ lễ toàn quốc có tên là “National Day for Truth and Reconciliation”, để nhìn nhận và vinh danh di sản văn hóa và cộng đồng thổ dân ở Canada.

Mong là qua hai thí dụ trên các bạn đã nhìn ra việc sửa đổi cách viết hay từ dùng của một ngôn ngữ không thể và không bao giờ là một hành động tùy tiện và vô trách nhiệm được. Trừ phi những người tán đồng và hân hoan với thông điệp mà StarBucks VN dùng khuyến mại vào dịp Tết vừa qua có thể chứng minh cho mọi người thấy cái thật sự cải tiến và lợi ích trong việc thay đổi cách viết “Tim” thành “Tym”, bằng không thì sự sửa đổi cố tình này rất đáng phàn nàn và cần được đặt vấn đề nghiêm chỉnh hơn vì sao StarBucks VN lại dùng thông điệp có tính cách làm méo mó chữ viết Việt cho việc khuyến mại của họ? Chắc chúng ta đều không quên câu nhận xét nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh trong bài diễn thuyết về Truyện Kiều được đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai Trí Tiến Đức của ông tổ chức, rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn …”. Nói cách khác, gìn giữ và bảo vệ tiếng nói cùng chữ viết Việt cũng là một cách gìn giữ đất nước mà mỗi người dân đều có thể dự phần.

Thay lời kết, xin gởi đến các bạn bài thơ “Tết Ấm Từ Tym” dưới đây.

        “Tết Ấm Từ Tym”

        ‘Tết ấm từ Tym’ có thiệt không?
        Vừa mới đọc qua muốn khóc ròng
        Trái ‘Tym’ lạ hoắc từ đâu đến
        Làm sao giúp Tết được ấm lòng?

        ‘Tết ấm từ Tym’ có ngộ không?
        Trái ‘tym’ chừng như đã lạc lòng
        Tôi ‘tỳm’ (1) đỏ mắt mà chưa thấy
        Trái ‘tim’ ngày cũ có còn không?

        Tết ấm từ Tym’ lối viết ngông
        Hay điều sửa đổi đến quay mòng?
        Trái ‘tym’ cải tiến hay hư hoại
        Mà ‘tim’ ‘tým’ (2) ngắt nỗi buồn mông!

        ‘Tết ấm từ Tym’ lắm não lòng
        Thương tình tiếng Mẹ phận long đong
        Ba ‘chỳm’ (3) bảy nổi đau cùng tận
        Giữa những hân hoan xé nát lòng.

        ‘Tết ấm từ Tym’ quá lòng thòng
        Khuyến mại có cần phải vậy không?
        Có cần méo mó con ‘tim’ cũ
        Thành trái ‘tym’ ai những bạc lòng.
               
Chú thích:
(1) ‘tìm’
(2) ‘tím’
(3) ‘chìm’

BP461

03-2024


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180