Tiếng Việt Trong Sáng: Những Chữ Thường Bị Dùng Sai

Tiếng Việt Trong Sáng
Những Chữ Thường Bị Dùng Sai


 

Đỗ Văn Phúc
Thư và Thơ
Người Việt cũng thường lẫn lộn hai chữ Thư  Thơ.
Thư 書 trong Hán Ngữ là sách, truyện (books): Tứ Thư Ngũ Kinh, thư viện, thư khố, thư phòng, thư sinh, thư tịch, quản thư. Thư còn nghĩa, là biên chép (thư pháp, thư ký, thư lại, thư phù…)
Ví dụ: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc (Trong sách có cô gái mặt đẹp như ngọc).
Thư tín (letter, mail) cũng là nội dung những lời ghi lên giấy để trao đổi về vấn đề nào đó, từ tình cảm đến việc làm ăn. Ngày nay, chúng ta dùng computer để gửi thư(email) thì không cần giấy mực và tem thư gửi qua bưu điện nữa.
Thơ do chữ Thi 詩 nói lệch mà ra. Thơ là hình thức văn có vần, có điệu. Thơ ngũ ngôn, thơ Đường, Ngâm thơ, làm thơ.
Ví dụ: Xin chàng đọc sách ngâm thơ, Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
Đa số người Việt cũng dùng chữ Thơ khi nói về thư tín.
Ví dụ: Tôi đã viết thơ cho anh rồi!
Và cũng lẫn lộn khi muốn nói nói về nạn hành chánh quan liêu, nặng về thủ tục, giấy tờ là “hệ thống thơ lại” (bureaucracy). Đúng ra phải là “hệ thống thư lại.” theo nghĩa của thư là sách vở, giấy bút.

Long Lanh, Lóng Lánh, Lấp Lánh, Lung Lay
Thấy có vài người khen nhau “Chị đẹp long lanh!” Chẳng biết đẹp long lanh là đẹp ra sao!
Long lanh, lóng lánh, lấp lánh (sparkling) để diễn tả một vật gì sáng lên, nhấp nháy khi phản chiếu ánh sáng
Ví dụ:
Long lanh đáy nước in trời. (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
Đôi mắt em long lanh đẹp tuyệt.
Dưới đèn lóng lánh mặt gương Quảng Hàn.
Viên kim cương lóng lánh.
Lung lay (cũng như Lung linh, flickering) chỉ hiện tượng bị lay động nhẹ, khi mờ khi tỏ do tác động nào đó
Ví dụ:Ngọn đèn lung linh mờ ảo. Hàng cây lá lung lay trước gió.

Tháng Tuổi
Từ hơn chục năm qua, nhiều người rất khó chịu khi nghe những câu trả lời về các em bé sơ sinh “Cháu xinh quá! Được mấy tháng tuổi rồi? Dạ. cháu mới được năm tháng tuổi”
Tuổi là do người Việt đọc trại từ chữ Tuế 歲 của Trung Hoa mà người Quảng Đông đọc là “Tsủi.” Tuế có nghĩa là năm, là tuổi tròn một năm. Người Hoa hỏi bao nhiêu tuổi: “Kỷ tố tsúi?” (Kỷ đa tuế?)
Ví dụ:
Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt (Tuế Nguyệt ; năm tháng)
(Trích bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan).
Cây tùng bách tuế là cây tùng sống cả trăm năm.
Tuế nguyệt đây là năm tháng. Bách tuế là trăm năm; thiên tuế là ngàn năm; vạn tuế là mười ngàn năm.
Hoàng thượng vạn tuế! (Chúc Vua sống vạn năm)
Như thế, một đứa trẻ mới 9 tháng, chưa đầy năm không thể nói là 9 tháng tuổi, mà phải nói thật đúng: “Cháu mới được chín tháng.”
Người ta nói: “Tôi ba mươi lăm tuổi” chứ không ai nói: “Tôi ba mươi lăm năm tuổi” cả!

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209