Thế giới chuẩn bị đón thêm một cú sốc nữa về Trung Quốc
Thế giới chuẩn bị đón thêm một cú sốc nữa về Trung Quốc
Tóm tắt: Trung Quốc sắp sửa cho hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường nước ngoài. Nhưng lần này Trung Quốc không mua nhiều hàng hóa phương Tây nữa.
Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đã trải qua một “cú sốc Trung Quốc”, thể hiện qua sự bùng nổ nhập khẩu hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Điều này giúp giữ lạm phát ở mức thấp nhưng phải trả giá bằng mất việc làm trong các ngành sản xuất địa phương ở Mỹ.
Lần bùng nổ tiếp theo có thể đang được thực hiện khi Bắc Kinh tăng gấp đôi xuất khẩu để phục hồi tăng trưởng của đất nước này. Các nhà máy của Trung Quốc đang sản xuất ra nhiều ô tô, máy móc và thiết bị điện tử tiêu dùng hơn mức nền kinh tế trong nước có thể hấp thụ. Được hỗ trợ bởi các khoản vay giá rẻ do nhà nước chỉ đạo, các công ty Trung Quốc cho tràn ngập thị trường nước ngoài với những sản phẩm mà họ không thể bán ở trong nước.
Một số nhà kinh tế nhận thấy, cú sốc này của Trung Quốc đã đẩy lạm phát xuống thấp hơn lần đầu. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng chậm lại, trong khi ở thời kỳ trước nó đã bùng nổ. Kết quả là, tác động giảm phát của hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất sẽ không được bù đắp bởi nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt, than đá và các hàng hóa khác.
Trung Quốc cũng là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với trước đây, chiếm nhiều sản lượng sản xuất của thế giới hơn. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, nước này chiếm 31% sản lượng sản xuất toàn cầu vào năm 2022 và 14% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu. Hai thập niên trước, tỷ trọng sản xuất của Trung Quốc chưa đến 10% và xuất khẩu dưới 5%.
Mọi người đều đầu tư vào sản xuất
Đầu thập niên 2000, tình trạng sản xuất dư thừa chủ yếu đến từ Trung Quốc, trong khi các nhà máy ở nơi khác đều đóng cửa. Giờ đây, Mỹ và các quốc gia khác đang đầu tư mạnh mẽ và bảo vệ các ngành công nghiệp của chính họ khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các công ty Trung Quốc như nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology đang xây dựng các nhà máy ở nước ngoài để xoa dịu sự phản đối đối với hàng nhập khẩu, mặc dù ở trong nước họ đã sản xuất được phần lớn những gì thế giới cần đến.
Kết quả có thể là một thế giới tràn ngập hàng hóa được sản xuất ra nhưng lại thiếu tiền để mua chúng – một công thức cổ điển khiến giá cả giảm đi.
Thomas Gatley, chiến lược gia Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết: “Sự cân bằng tác động của Trung Quốc đối với giá cả toàn cầu thậm chí còn nghiêng rõ ràng hơn theo hướng giảm phát”.
Có một số thế lực phản kháng lại việc này. Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không muốn quay lại thời kỳ đầu thập niên 2000, khi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc khiến nhiều nhà máy của họ phải phá sản. Vì vậy, họ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các ngành được coi là chiến lược và áp đặt hoặc đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Dân số già đi và tình trạng thiếu lao động dai dẳng ở các nước phát triển có thể bù đắp thêm một số áp lực giảm phát mà Trung Quốc gây ra lần này.
David Autor, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts và là một trong những tác giả của bài báo năm 2016 mô tả cú sốc ban đầu ở Trung Quốc, cho biết: “Lần này sẽ không giống cú sốc Trung Quốc lần trước”.
Một cú sốc khác ở Trung Quốc
Mặc dù vậy, Autor cho biết, “mối lo ngại hiện tại trở nên cơ bản hơn” vì Trung Quốc đang cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến về ô tô, chip máy tính và máy móc phức tạp — những ngành có giá trị cao hơn được coi là trung tâm hơn của vị trí dẫn đầu về công nghệ.
Cú sốc đầu tiên do Trung Quốc tạo ra sau một loạt cải cách tự do hóa ở Trung Quốc vào thập niên 1990 và việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Đối với người tiêu dùng Mỹ, điều này mang lại lợi ích đáng kể. Một bài báo năm 2019 cho thấy, giá tiêu dùng ở Mỹ đối với hàng hóa giảm 2% trên mỗi điểm phần trăm tăng thêm thị phần mà hàng nhập khẩu của Trung Quốc giành được, với những lợi ích lớn nhất thuộc về những người có thu nhập thấp và trung bình.
Nhưng cú sốc hàng hóa Trung Quốc cũng gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước Mỹ. Năm 2016, Autor và các nhà kinh tế khác ước tính rằng, Mỹ đã mất hơn 2 triệu việc làm từ năm 1999 đến năm 2011 do hàng nhập khẩu của Trung Quốc, khi các nhà sản xuất đồ nội thất, đồ chơi và quần áo của Mỹ gặp khó khăn trước sự cạnh tranh và công nhân ở các cộng đồng hẻo lánh phải vật lộn để tìm việc làm mới.
Kịch bản tương tự dường như đang được tiến hành.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, một tỷ lệ thấp so với tiêu chuẩn của nước này và dự kiến sẽ chậm lại hơn nữa khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ảnh hưởng đến đầu tư và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Capital Economics, một công ty tư vấn, cho rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc sẽ chậm lại khoảng 2% vào năm 2030. Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra một bước ngoặt kinh tế bằng cách đổ tiền vào các nhà máy, đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, ô tô và thiết bị năng lượng tái tạo, rồi bán hàng hóa dư thừa ra nước ngoài.
Giảm phát ở Trung Quốc
Tuy nhiên, nhu cầu yếu và dư thừa công suất sản xuất khiến giá các hàng hóa sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong 16 tháng, dẫn đầu là hàng tiêu dùng và hàng hóa lâu bền, thực phẩm, kim loại và các loại máy điện.
Động lực giảm phát đó đang lan tràn trên khắp thế giới. Giá hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 2,9% trong tháng 1 so với một năm trước đó, trong khi giá hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Mexico vào Mỹ đều tăng.
Tuy nhiên, không giống như đầu thập niên 2000, thế giới phương Tây hiện coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế và đối thủ địa chính trị chính. EU đang xem xét liệu xe điện do Trung Quốc sản xuất có đang được trợ cấp quá mức và cần phải chịu thuế hoặc các hạn chế nhập khẩu khác hay không. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang sắp được đề cử của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, đã đưa ra ý tưởng đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc từ 60% trở lên.
Chủ nghĩa bảo hộ như vậy có thể chuyển một số tác động giảm phát sang các khu vực khác trên thế giới, khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới ở các nước nghèo hơn. Những nền kinh tế đó có thể chứng kiến các ngành công nghiệp non trẻ của mình bị thu hẹp lại trước sự cạnh tranh của Trung Quốc, giống như những gì Mỹ đã làm trong thời kỳ trước đó. Không giống như Nhật Bản hay Hàn Quốc, những quốc gia từ bỏ sản xuất chi phí thấp để chuyển sang xuất khẩu giá trị cao hơn, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực chi phí thấp ngay cả khi nước này đẩy mạnh vào các sản phẩm thường do các nền kinh tế tiên tiến thống trị.
Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại GlobalData–TS Lombard, cho biết Trung Quốc đại diện cho “một thách thức thương mại đặc biệt duy nhất”.
Tác giả: Jason Douglas - Biên dịch: Cù Tuấn
Nhận xét
Đăng nhận xét