Bằng chứng cho thấy Nga đã cho nổ tung đập Kakhovka
Bằng chứng cho thấy Nga đã cho nổ tung đập Kakhovka
Tóm tắt: Một con đập ở Ukraine được thiết kế để chống lại hầu hết mọi cuộc tấn công có thể tưởng tượng ra – từ bên ngoài. Bằng chứng cho thấy Nga đã cho nổ phá con đập từ bên trong.
Ngay cả trong một cuộc chiến đã san bằng toàn bộ các thành phố, việc phá hủy đập thủy điện Kakhovka ở miền nam Ukraine vẫn là sự kiện nổi bật.
Hàng ngàn người đã phải di dời do lũ lụt từ một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới, vốn rất quan trọng để tưới tiêu cho vùng đất nông nghiệp được coi là vựa lúa mì của châu Âu. Thảm họa này khiến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu cho hàng triệu người gặp rủi ro và có thể đe dọa các hệ sinh thái vốn đã mong manh trong nhiều thập kỷ.
Có thể nhìn thấy rõ vết sẹo trên con đập do giao tranh trong nhiều tháng trước khi bị vỡ. Các cuộc tấn công của Ukraine đã làm hư hại một phần của con đường phía trên con đập, và quân đội Nga rút lui, sau đó đã làm nổ tung một phần khác. Tháng trước, hình ảnh vệ tinh cho thấy, nước đã chảy không kiểm soát qua một số cửa đập.
Điều này dẫn đến những ý kiến cho rằng con đập có thể chỉ đơn thuần là nạn nhân của thiệt hại do tích lũy từ trước, mà Nga đã viện cớ để chối bỏ trách nhiệm.
Nhưng nhiều bằng chứng được The New York Times xem xét, từ các kế hoạch kỹ thuật ban đầu đến các cuộc phỏng vấn với các kỹ sư nghiên cứu về sự cố vỡ đập, ủng hộ một lời giải thích khác: rằng sự cố vỡ đập không phải là ngẫu nhiên. Sự nứt vỡ thảm khốc của nền móng bê tông bên dưới của nó rất khó xảy ra.
Theo hai kỹ sư người Mỹ, với các phát hiện của vệ tinh và địa chấn về các vụ nổ trong khu vực, cho đến nay, nguyên nhân rất có thể gây ra sự sụp đổ là do một lượng chất nổ được đặt trong lối đi dùng để bảo trì đập, chạy qua giữa khối bê tông của đập, theo hai kỹ sư người Mỹ, một chuyên gia về chất nổ và một kỹ sư người Ukraine có nhiều kinh nghiệm vận hành con đập.
Michael W. West, kỹ sư địa kỹ thuật và chuyên gia phân tích sự cố và an toàn đập, hiện là hiệu trưởng đã nghỉ hưu của công ty kỹ thuật Wiss, Janney, cho biết: “Nếu mục tiêu của bạn là phá hủy chính con đập, thì cần phải có một vụ nổ lớn. Elstner. Lối đi dùng để bảo trì là một nơi lý tưởng để đặt chất nổ đó”.
Các kỹ sư cảnh báo rằng, chỉ có một cuộc kiểm tra toàn bộ con đập sau khi nước đã rút hết khỏi hồ chứa mới có thể xác định trình tự chính xác của các sự kiện dẫn đến vụ phá hủy con đập. Sự xói mòn do nước chảy qua các cửa có thể dẫn đến vỡ đập nếu thiết kế kém, hoặc bê tông không đạt tiêu chuẩn, nhưng các kỹ sư cho rằng điều đó khó xảy ra.
Ihor Strelets, một kỹ sư từng là phó giám đốc phụ trách tài nguyên nước của sông Dnipro từ năm 2005 đến năm 2018, nói rằng, do là một dự án xây dựng thời Chiến tranh Lạnh, nền của con đập được thiết kế để chống lại hầu hết mọi loại tấn công từ bên ngoài. Ông Strelets cho biết, ông cũng đã kết luận rằng, một vụ nổ bên trong lối đi bảo trì đã phá hủy một phần cấu trúc bê tông của đập, và những phần khác của đập đã bị sức nước cuốn đi sau đó.
Ông Strelets nói: “Tôi không muốn lý thuyết của mình là đúng. Một vụ nổ lớn trong lối đi bảo trì có thể đồng nghĩa với việc đập bị phá hủy hoàn toàn. “Nhưng đó là cách giải thích duy nhất”, anh nói.
Thức dậy với dòng nước vây quanh
Vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, cư dân sống gần con đập ở cả lãnh thổ do Nga và Ukraine kiểm soát đã nghe thấy tiếng nổ và tiếng ầm ầm kỳ lạ, họ cho biết sau đó.
Họ không xa lạ gì với những âm thanh của cuộc chiến. Trong nhiều tháng, hai đội quân đã đấu pháo với nhau qua sông Dnipro. Nhưng lần này có vẻ khác – và chẳng mấy chốc mọi người đã rõ tại sao.
Đối với những người ở gần con đập nhất, được chính phủ Liên Xô xây dựng vào thập niên 1950, dòng nước đổ về gần như ngay lập tức. Lũ lụt mất nhiều thời gian hơn để làm ngập vùng hạ lưu, nhưng khi chúng xảy ra, chúng đến rất nhanh và sau đó mực nước không giảm trong hơn một tuần.
Vasyl, 64 tuổi, sống ở thị trấn Hola Prystan, bờ đông do Nga chiếm đóng, cách con đập khoảng 60 dặm, cho biết qua điện thoại: “Chúng tôi sống ở tầng 4 nên nước không tràn tới căn hộ của chúng tôi, nhưng tầng 1/ tầng trệt đã bị ngập hoàn toàn”.
Hàng xóm và người thân đã tìm nơi ẩn náu trong căn hộ của ông. “Nhà của em gái tôi bị cuốn trôi hoàn toàn”, Vasyl nói. “Bây giờ căn nhà chỉ là những bức tường, không còn gì bên trong, không đồ đạc, không thiết bị”.
Ông nói, hầu hết những người trẻ tuổi trong thị trấn đã chạy trốn khỏi sự chiếm đóng của Nga từ lâu, để lại hầu hết là những người già, trong đó có nhiều người khuyết tật. “Nhiều người trong số họ chết đuối vì không thể ra khỏi nhà hoặc trèo lên mái nhà”. Số người chết vì lũ lụt vẫn chưa được thống kê; các quan chức nói rằng con số có khả năng tăng lên khi nước rút.
Mục tiêu chính
Các cửa cống, các cần cẩu trông tương đối mảnh mai và một lối đi nhỏ trên mặt đập dường như là mục tiêu dễ dàng cho một cuộc tấn công nhằm phá hủy đập Kakhovka.
Nhưng phần lớn khối lượng khổng lồ của con đập nằm chìm dưới mặt nước, theo sơ đồ cấu trúc mà New York Times có được và mô tả chi tiết của ông Strelets. Ông cho biết, ông đã dành nhiều tháng ở đập Kakhovka và xung quanh hồ chứa.
Ông Strelets cho biết, khối lượng đó bao gồm một tòa tháp tròn bằng bê tông gần như đặc, cao khoảng 20 mét và dày tới 40 mét dưới đáy. Được xây dựng theo từng phần, hàng rào khổng lồ đó chạy giữa các kè đất ở hai bên kênh và thực hiện phần lớn trách nhiệm giữ nước của hồ chứa.
Các cửa cống nằm trên tấm chắn đó, được đóng mở để điều chỉnh mực nước. Bằng chứng trực quan do New York Times thu thập, cho thấy, thiệt hại rõ ràng đối với con đường và một số cửa cống ở một bên của kênh trong những tháng trước khi vỡ đập.
Bất chấp thiệt hại đó và một thác nước màu trắng đổ xuống từ vùng lân cận của các cổng đó, các kỹ sư cho biết việc phá hỏng một phần của con đập có nhiều khả năng liên quan đến các vụ nổ do cảm biến địa chấn thu được và tín hiệu hồng ngoại mà các quan chức Hoa Kỳ cho biết, do một vệ tinh thu thập, cho thấy sức nóng của vụ nổ.
Ben Dando, một nhà địa chấn học tại Norsar, một tổ chức chuyên về địa chấn học của Na Uy, cho biết các tín hiệu địa chấn đã được thu tại hai cảm biến giám sát địa chấn, một ở Romania và một ở Ukraine. Tiến sĩ Dando cho biết, cả hai tín hiệu đều phù hợp với một vụ nổ – chứ không phải sự sụp đổ của chính con đập.
Dando nói rằng, hệ thống đo đạc có thể xác định thời gian của một vụ nổ trong vòng vài giây, nhưng không xác định được chính xác vị trí của các vụ nổ. Ví dụ, Norsar có thể định vị tín hiệu này xảy ra vào lúc 2:54 sáng, bắt nguồn từ khu vực có đường kính 20 hoặc 30km bao gồm cả con đập.
Không có thời gian cụ thể cho tín hiệu hồng ngoại, nhưng một quan chức quân sự cấp cao của Hoa Kỳ nói rằng, nó đã được phát hiện ngay trước khi con đập bị sập.
Một quan chức quân sự cấp cao của Hoa Kỳ nói rằng, Hoa Kỳ đã loại trừ một cuộc tấn công từ bên ngoài vào con đập, chẳng hạn như tên lửa, bom hoặc một số loại đạn khác, và hiện đánh giá rằng, vụ nổ đến từ một hoặc nhiều chất nổ bên trong nó, rất có thể là do người Nga gài.
Gregory B. Baecher, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Maryland và là thành viên của Học viện Kỹ nghệ Quốc gia Mỹ, cũng cho biết, quy mô của vụ vi phạm cho thấy hàng rào bê tông bên dưới đã bị hỏng, cho thấy rằng các khối mìn đã được đặt sâu trong cấu trúc đập.
Giáo sư Baecher nói: “Nếu họ đặt chất nổ trong lối đi ngầm ngay giữa đập, điều đó sẽ giải thích được rất nhiều điều”. Ông nói, một vụ nổ lớn ở đó, “sẽ phá hủy tất cả các cấu trúc bê tông”.
Nick Glumac, giáo sư kỹ thuật và chuyên gia về chất nổ tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, cho biết, kích thước của lượng chất nổ cần thiết có thể rất khác nhau tùy thuộc vào cách đặt chất nổ chính xác và mục tiêu chính xác.
Giáo sư Glumac cho biết: “Điều đáng ghi nhớ là bạn không cần phải nghiền nát con đập, mà chỉ cần phá vỡ nó đủ để áp lực nước có thể xé nó ra”.
Tuy nhiên, Giáo sư Glumac nói rằng, dựa trên sơ đồ của con đập và hình ảnh mới nhất về nền móng bị phá hủy, “Tôi khó có thể thấy bất cứ điều gì khác ngoài một vụ nổ bên trong hành lang nội bộ có thể gây ra thiệt hại”. Ông nói thêm: “Đó là một lượng lớn bê tông, rất khó để di chuyển nó”.
Sử dụng lối đi ngầm giữa đập có thể có một lợi thế khác cho bất kỳ ai đang tìm cách che giấu dấu vết của họ. Theo ông Strelets, lối đi này chỉ có hai lối vào, trong đó có một lối vào bên trong phòng máy nằm trong một tòa nhà ở một bên của con đập.
Tiến sĩ West, vốn cũng là cựu sĩ quan kỹ sư chiến đấu của Quân đội Mỹ, lưu ý rằng, điều đó sẽ cho phép việc gài mìn vào con đập ở ngoài tầm nhìn của các vệ tinh do thám, máy bay không người lái hoặc nhân chứng trên mặt đất. Cảnh quay bằng máy bay không người lái vào sáng sớm cho thấy, vụ vỡ đập ban đầu xảy ra không xa phòng máy.
Giáo sư Baecher cho biết, có khả năng, mặc dù không chắc lắm, rằng dòng nước chảy từ những cánh cổng bị hư hại bằng cách nào đó đã làm xói mòn cấu trúc bê tông nằm dưới lòng sông. Nhưng ông cho biết, việc kiểm tra các bản vẽ chỉ ra rằng, thiết kế con đập đã bảo vệ chống lại khả năng đó bằng các biện pháp tiêu chuẩn. Một trong số đó là cái gọi là “tấm tạp dề” bằng bê tông trên đỉnh lòng sông trải đến phía hạ lưu của đập.
Ông nói: “Đây dường như là một con đập được thiết kế tốt với bản thiết kế hiện đại”.
Về phần mình, công ty vận hành con đập cho biết, trong một tuyên bố với New York Times ngày 16 tháng 6, rằng: “Quân Nga đã thực hiện một vụ nổ bên trong, dẫn đến phá hủy con đập”. Công ty cho biết, vụ nổ đó “đã dẫn đến việc xả nước không kiểm soát được từ hồ chứa và làm gia tăng mực nước ở hạ lưu một cách thảm khốc”.
Con đập – nạn nhân của chiến tranh
Sự tàn phá của con đập kể từ khi quân Nga xâm lược Ukraine đã được ghi lại nhiều lần từ trên cao và trên mặt đất.
Khi quân Nga rút lui qua sông Dnipro vào tháng 11 năm 2022, họ đã cho nổ tung con đường trên đỉnh phía bắc của công trình này. Một camera giám sát đã ghi lại được một vụ nổ mạnh vào ban đêm. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, sức mạnh của vụ nổ đã phá hủy con đường mặt đập, nhưng nền đập và tường của các cổng ở phần đó của đập không bị ảnh hưởng. Chúng vẫn còn đứng vững cho đến ngày hôm nay.
New York Times đã thu được hình ảnh vệ tinh có độ phân giải rất cao, cũng cho thấy thiệt hại đối với một đoạn đường khác trong những ngày và tuần trước khi con đập bị sập. Vào ngày 1 tháng 6, hoặc rạng sáng ngày 2 tháng 6, một phần của con đường chạy dọc theo con đập đã bị sập. Các cuộc tấn công bằng tên lửa HIMARS của Ukraine vào tháng 8 năm 2022 đã làm hư hại đoạn đường đó nhưng đạn không trúng đập.
Vào ngày 23 tháng 4, một phần nhỏ của bức tường nối với nhà máy điện đã bị sập — có thể là bằng chứng về sự xói mòn gần đập.
Ngoài ra, các cần cẩu kiểm soát việc xả nước qua đập đã không được di chuyển kể từ giữa tháng 11. Việc di chuyển này cho phép nước chảy tự do ra khỏi các cửa đó trong khoảng thời gian vài tháng. Việc này đã khiến mực nước của hồ chứa đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 2, sau đó đã đạt mức cao nhất trong 30 năm vào tháng 5, chỉ vài tuần trước khi đập bị phá hủy.
Các chuyên gia cho biết thiệt hại trước đó, cũng như áp lực do mực nước dâng cao hoặc vị trí tĩnh của cần cẩu, đều không thể gây ra sự sụp đổ nền bê tông của đập, trừ khi bê tông nền đập có chất lượng thấp và đã có xu hướng xuống cấp. Các dòng chảy lớn cũng sẽ không đủ để làm suy yếu nền đập, trừ khi vì lý do nào đó, tấm chắn bê tông – lớp phủ phía hạ lưu đặt trên đáy sông – có các vết nứt hoặc đất mềm hơn nhiều so với tính toán trong thiết kế.
Một video xuất hiện trong tuần này, sau khi mực nước đã giảm, cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự cố thảm khốc. Nó cho thấy phần trên cùng của nền móng bê tông, chứ không chỉ các cổng, đã bị phá hủy.
Kỹ sư Strelets gọi lối đi bên trong đập là gót chân Achilles của đập Kakhovka. Ông nói rằng, ông hy vọng mìn đã không được đặt ở đó, vì nếu như vậy thì thiệt hại sẽ không thể khắc phục được.
Strelets nói: “Tôi đã đi bộ dọc theo con đập này nhiều lần. Tôi rất tự hào về nó. Con đập này là tài sản của đất nước tôi. Tôi thậm chí chưa bao giờ tưởng tượng rằng ai đó sẽ cố gắng phá hủy nó”.
Cù Tuấn biên dịch
Theo New York Times
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét