Hôm qua đốt rừng, hôm nay xin… rút kinh nghiệm, đổ thừa cho dân

Hôm qua đốt rừng, hôm nay xin…
rút kinh nghiệm, đổ thừa cho dân
Hiện trường diễn tập chữa cháy rừng hôm 26 Tháng Sáu – Ảnh: Tuổi Trẻ

Lê Thiệt

Như tin đã đưa, ngày 26 Tháng Sáu tại khu vực rừng phòng hộ ở thôn Bình Trúc (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức một cuộc diễn tập chữa cháy rừng bằng cách… đốt rừng.

Ông Châu Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Bình Sa, cho rằng buổi diễn tập rất thành công. Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho cho rằng việc đốt rừng phòng hộ để diễn tập “không ảnh hưởng lớn đến cây rừng”, và “tổ chức tại khu rừng đó là phù hợp”.

Ông nào cũng nói cho đúng… chỉ đạo!

Đến ngày hôm sau, khi báo chí tường thuật vụ đốt ừng để thực tập chữa cháy rừng này, và không đồng tình với cách làm của chính quyền tỉnh Quảng Nam thì mấy ông đổi giọng, xin… rút kinh nghiệm, và đổ thừa cho dân.

Nhiều cây keo lưỡi liềm bị cháy đen chứ không phải chỉ bị “nhuốm màu đen” sau diễn tập chữa cháy rừng như lời lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Phạm Viết Tích – giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam – cho hay theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, nhận định chuyên gia về lâm nghiệp, buổi đốt rừng này làm nhiều cây keo lưỡi liềm ở rừng phòng hộ do sức nóng của lửa nên bị cháy đen quanh thân, nhưng không sao. Ông Tích nói những cây bị ảnh hưởng nếu có mưa xuống sẽ phục hồi, còn những cây nhỏ khả năng sẽ bị chết. Mà những cây nhỏ chết thì trồng lại cũng dễ thôi. Ông cho biết thêm:

“Trong diễn tập, do đám cháy bùng lên nhanh quá, không lường trước hết quy mô đám cháy, đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Thiệt hại này sẽ được nghiên cứu kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Kinh nghiệm thì “xin được rút”, nhưng ông Tích cũng cho rằng việc chọn vị trí đốt rừng là “hoàn toàn đúng đắn”, vì vùng này là một điểm nóng về cháy rừng trong năm nay, nên diễn tập tại đây, phải làm tình huống gần như thật.

Một số cây keo còn tươi tốt quanh khu vực diễn tập bị chặt đến gốc – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Từ Văn Khánh – phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam – giải thích rằng các ông chọn hiện trường gần như thực tế để khi xảy ra một trường hợp tương tự thì có sự hiệu quả hơn trong công tác chữa cháy. Thế nhưng ông lại không trả lời câu hỏi “vậy nếu tập chữa cháy nhà thì có dùng nhà ở làm hiện trường thực tế được không?” thì ông không trả lời.

Chỉ những cây keo cháy đen nằm ngổn ngang, ông Khánh cho biết đó là cây ngã đổ của cơn bão năm trước được gom lại làm vật liệu cháy, chứ không phải đốt rừng (?!) Trong khi đó, bằng mắt thường, phong viên báo chí có mặt tại hiện trường cũng nhìn ra được gốc cây bị cắt bằng máy cưa cầm tay, và lõi cây còn tươi, chứng tỏ chúng mới bị cưa chứ không phải bị ngã do bão năm ngoái.

Ông Khánh cho hay khi xây dựng kế hoạch, chi cục phối hợp với xã, giao việc chuẩn bị vật liệu cho xã, thôn, họ tận dụng những cây ngã, chết khô ở quanh đó. Trong quá trình triển khai thì chi cục cũng có thiếu sót trong việc giám sát việc người dân chặt cây để làm vật liệu cháy.

Một vạt rừng nhuốm màu đen sau diễn tập – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Tích cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến sai sót trên là do dân chứ không phải do lãnh đạo. Ông cho biết, “phương án diễn tập giao cho bà con chuẩn bị thực bì dẫn đến chuyện chặt cây trong rừng, việc làm đường băng cách lửa chưa hợp lý, có sự chủ quan. Trong quá trình làm có sai sót nhất định, chưa được cụ thể, chỉn chu”.

Đến lúc đó bà con ở thôn Bình Trúc mới biết mình ngu, nên bị lãnh đạo xỏ mũi dắt đi. Một người dân thôn Bình Trúc nói: “Tụi tui có biết chi đâu? Mấy ổng nói sao thì tụi tui làm vậy thôi, bây chừ mấy ổng đổ lỗi cho dân là sao?”

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025