Diễn Đàn Trái Chiều - BÀI 287: Ngồi Xổm Trên Luật Pháp

Diễn Đàn Trái Chiều
Chủ Trương Vũ Linh

BÀI 287: Ngồi Xổm Trên Luật Pháp
 


Cả thế giới biết 3 câu có thể định nghĩa công lý hay nền tảng tư pháp Mỹ:

1. Mỹ là xứ pháp trị;
2. Không ai có thể ngồi xổm trên luật pháp;
3. Công lý Mỹ tuyệt đối công bằng, đối xử với tất cả mọi người như nhau, không ai khác ai.

    Nghe thật đáng nể, đáng phục. 

    Vấn đề là thực tế có như vậy không? 

    Khỏi mất thời giờ giông dài, trên nguyên tắc, nước Mỹ bây giờ đúng là xứ pháp trị, tất cả mọi việc, mọi người đều phải tuân thủ theo luật, tất cả mọi chuyện đều phải giải quyết theo luật, hết còn là thời các ông cao bồi giải quyết bằng cách xem ai bắn nhanh nhất.

    Vũ Linh này đã từng viết về tình trạng công lý Mỹ: "Mỹ với Việt cộng, chẳng còn gì khác nhau“. Bị một cụ bác sĩ y khoa bên Đức (cụ Trần văn Tích) chỉnh, cho đó là "cường điệu" vì dù sao công lý Mỹ vẫn khác xa, một trời một vực với cái gọi là 'công lý' của VC. Thật ra, cụ bác sĩ đó chỉnh đúng nhưng cũng sai. 

    Đúng vì quả thực, công lý Mỹ so với cái gọi là 'công lý' -nếu có- của VC mà gọi là "chẳng có gì khác nhau" thì đúng là 'cường điệu' thật, là so sánh quá đáng. Dù sao thì công lý Mỹ cũng không quá tệ đến vậy. Ai cũng biết vậy mà không cần phải đợi cụ bác sĩ đại học giả giải thích.

    Tuy nhiên, cụ bác sĩ hiển nhiên đã không phân biệt rõ hai khiá cạnh của tư pháp. 

- Tư pháp áp dụng cho cá nhân người dân, tức là bảo vệ dân quyền và nhân quyền cá nhân, người dân Mỹ vẫn được luật pháp bảo vệ kỹ hơn bất cứ dân xứ nào trên thế giới. Người dân bị thiệt thòi, ức hiếp, đánh đập, trộm cướp,,... công lý Mỹ vẫn bảo vệ kỹ, tuy có hơi 'nương tay' nếu thủ phạm thuộc khối da màu, và 'nặng tay' nếu thủ phạm là dân da trắng. Người dân muốn nói ngang nói dọc, chửi TT, chửi cả nước, đốt cờ Mỹ, cảnh sát đứng canh gác cho họ an toàn làm những trò 'phản động' này. Không có cách nào cái 'công lý' nếu có của VC có thể so sánh được. Và cụ TVT có lý.

Tư pháp áp dụng trong chính trị thì khác xa vì cái tư pháp đó đã được chính quyền Biden biến thành vũ khí đấu đá chính trị phe đảng tuyệt đối, công khai, coi thiên hạ như pha, trở thành công cụ đàn áp đối lập của người nắm quyền. Dưới khiá cạnh này, công lý Mỹ và 'công lý' VC chỉ là chuyện 'same, same'. Và cụ TVT sai. Như bài này sẽ trình bày. 

   Ta nhìn lại thử xem trong thời gian gần đây, công lý dưới thời Biden vận hành như thế nào. 

QUỐC HỘI LIÊN BANG

   Trước hết, ta xem các nhà làm luật của đảng DC trong quốc hội đã sáng tạo ra luật riêng cho quyền lợi của họ và sử dụng luật pháp như thế nào khi đối xử với ông Trump ngay khi ông còn làm tổng thống. Họ đàn hặc ông hai lần. Ta xem lại cách hành xử của khối làm luật của đảng DC.

Đàn hặc lần thứ nhất: Tháng Giêng 2020, TT Trump bị truy tố lạm quyền khi đòi đổi chác (quid-pro-quo) với TT Ukraine, Volodymyr Zelensky. Theo cáo giác, qua một cuộc điện đàm riêng giữa hai người, TT Trump yêu cầu Ukraine mở lại cuộc điều tra về chuyện cha con Biden nhận tiền hối lộ của Ukraine, nếu không TT Trump sẽ chặn, không tháo khoán 390 triệu đô viện trợ quân sự cho Ukraine. Đây là lời tố cáo của một người gọi là 'người thổi kèn báo động' -whistler blower-, không được hỗ trợ bởi bất cứ bằng chứng cụ thể hay nhân chứng nào. Không có băng thu cuộc nói chuyện đó, cũng chẳng ai chính tai nghe được cuộc nói chuyện, kể cả người thổi kèn cũng chỉ được nghe một người bí mật dấu tên khác kể lại, ngay cả TT Zelensky cũng phủ nhận. Bất cần biết, phe DC ỷ thế đa số trong hạ viện, nhất trí biểu quyết đàn hặc TT Trump. Ra trước thượng viện, thất bại vì không đủ túc số phiếu truất phế Trump.

    Ví dụ như ông Trump có đổi chác thật, thì đổi chác chính trị có đáng đàn hặc không? 

    Năm 2016, phó TT Biden bay qua Ukraine, áp lực Ukraine phải sa thải ngay công tố đặc biệt đang điều tra tham nhũng trong công ty dầu khí Burisma, nếu không Mỹ sẽ thu hồi việc bảo đảm cho Ukraine vay một tỷ đô. Burisma là công ty đã mời cậu ấm Hunter Biden làm thành viên hội đồng quản trị, lãnh lương tới 80.000 đô một tháng ngồi chơi xơi nước. Ukraine chịu thua, sa thải công tố, công tố mới chấm dứt ngay cuộc điều tra về Burisma. Biden họp báo, công khai khoe thành tích, truyền thông ca tụng 'tài thuyết phục' của Biden. Chuyện này có khét lẹt mùi quid-pro-quo không? 'Vậy chứ' sao PTT Biden không bị đàn hặc?

Đàn hặc lần thứ hai còn kinh khủng hơn nữa. Đầu tháng 11/2020, TT Trump thất cử. Ngày 6/1/2021, đúng 2 tuần trước ngày bàn giao, lưỡng viện quốc hội họp chung để kiểm phiếu đại cử tri đoàn, xác nhận kết quả bầu TT, cả trăm ngàn người biểu tình tại thủ đô Washington DC, tiến tới bao vây, rồi xông vào quốc hội, khiến các vị dân cử phải tạm ngưng kiểm phiếu, xuống hầm trú ẩn trốn đám biểu tình. Đúng 5 ngày sau, ngày 11/1/2021, hạ viện 'thảo luận' việc đàn hặc Trump. Đúng 2 ngày sau, 13/1/2021, một tuần trước ngày bàn giao, phe DC trong hạ viện lại lấy thế đa số, biểu quyết đàn hặc TT Trump lần thứ hai. 

    Chỉ cần bà chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố "Phải đàn hặc Trump" là toàn thể đám dân biểu DC (và một chục dân biểu CH cuồng chống Trump) nhất trí biểu quyết đàn hặc ngay. Không thảo luận, không điều tra, không bằng chứng, không nhân chứng, không đối chất, TT Trump bị ngay tức khắc kết tội 'chủ mưu, sách động bạo loạn'. Ngày 25/1/2021, 5 ngày sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức, nội vụ được hấp tấp chuyển qua thượng viện để tiến hành thủ tục trừng phạt Trump, không cho dính đáng vào chính trị tới mãn đời. Chưa khi nào guồng máy quốc hội vận hành nhanh như vậy trong gần 300 năm lịch sử Mỹ.

    Phiên 'tòa' trừng phạt TT khai diễn ngày 9/2/2021, theo Hiến Pháp phải được chánh thẩm -Chief Justice- Tối Cao Pháp Viện chủ tọa. Chánh thẩm John Roberts từ chối không nhận chủ tọa, dĩ nhiên vì ông thấy rõ đàn hặc lần này trắng trợn vi phạm mọi luật lệ, nguyên tắc và thủ tục đàn hặc được Hiến Pháp và các luật lệ khác ghi rất rõ. Phe đa số DC kiểm soát thượng viện bất cần, đồng thanh bầu một nghị sĩ DC già chủ tọa. Không kể các vi phạm khác, ngay việc chủ tọa này cũng đã khiến 'phiên tòa' của thượng viện hoàn toàn vô giá trị trên phương diện luật pháp. Ông Trump cho dù bị kết án, vẫn có thể kiện lên tới TCPV, và chắc chắn sẽ thắng.

    Sau khi hấp tấp đàn hặc để rồi thất bại tại thượng viện khi không đủ túc số để truất phế và cấm Trump vĩnh viễn không được tham gia chính trị Mỹ, quay qua cách khác, cho hạ viện mở cuộc điều tra về vai trò của Trump, 4 tháng sau khi Biden tuyên thệ. Nghĩa là sau khi đã kết án Trump thất bại, mới quay qua điều tra để chứng minh Trump có tội. Cái cầy đi trước, con trâu lẽo đẽo theo sau. Theo lệnh bà Pelosi, hạ viện thành lập một ủy ban đặc biệt trong đó tất cả các thành viên đều do một mình bà Pelosi tuyển lựa và bổ nhiệm, với tiêu chuẩn cuồng chống Trump đã biểu quyết đàn hặc Trump rồi. Bà Pelosi cũng đích thân bổ nhiệm 2 dân biểu CH bên cạnh 7 dân biểu DC, cả hai đều đã bỏ phiếu đàn hặc Trump (cả 2 đều mất job trong cuộc bầu cử cuối năm 2022). Tất cả nhân chứng đều được tuyển lựa theo cùng tiêu chuẩn: có ý kiến bất lợi cho Trump. Những khúc phim chiếu trên màn hình trong các cuộc họp của ủy ban, dùng làm bằng chứng về tội phạm của Trump, đều được một đạo diễn chuyên nghiệp thuê từ Hồ Ly Vọng qua để cắt xén, ráp nối, trình chiếu những đoạn phim thời sự mà ủy ban muốn trưng ra, trong khi hơn 90% khúc phim còn lại không thuận lợi cho việc kết tội Trump, bị cho vào thùng rác. 

    Đây là cách hành xử phe đảng thô bạo của những người có trách nhiệm làm luật, thế thì luật ở Mỹ có giá trị như thế nào? 

CÁC CƠ QUAN THI HÀNH LUẬT 

    Thế những cơ quan liên bang thì hành luật thì sao? Bộ Tư Pháp liên bang và FBI đã làm gì? Làm như thế nào?

   Vụ án ông Trump lưu giữ tài liệu an ninh tối mật là việc tiêu biểu nhất. Xin tóm lược lại:

   Trong gần 300 năm lịch sử Mỹ, chẳng một TT nào bị 'sờ gáy' về chuyện mang theo tài liệu. Tất cả các tổng thống khi rời nhiệm sở, đặc biệt là các ông Obama, Bush con, Clinton,... đều mang theo cả mấy ngàn thùng tài liệu. Chẳng một ai kiểm tra xem trong đó có những tài liệu gì. Chẳng ai mang vấn đề luật lệ cho phép mang tài liệu nào. Cụ Biden, trong tư cách cựu thượng nghị sĩ và sau đó, cựu phó TT, khi rời chức phó TT, mang theo cả mấy ngàn thùng tài liệu, trong đó có 1.850 thùng tặng cho Đại Học Delaware. Sở Văn Khố, FBI, bộ Tư Pháp, chẳng một cơ quan nào kiểm tra xem trong các thùng Biden mang theo hay tặng cho đại học, có những tài liệu gì, mật hay không.

    Nhưng với TT Trump thì mọi chuyện đều khác. Sở Văn Khố -National Archives-, lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ, xem lại mấy ngàn thùng tài liệu do TT Trump để lại, thấy nhiều thiếu sót, và đòi ông Trump nộp lại những tài liệu thuộc loại 'mật' mà họ cho là ông Trump giữ trái luật. Cũng lần đầu tiên, họ cho người đến tận tư dinh ông Trump tại Mar-a-Lago để khám xét, đi cùng với nhân viên FBI, ra về mang theo đâu một chục thùng tài liệu 'mật'. Chưa hết. Sau đó, vẫn là lần đầu tiên, FBI đột kích vào tư dinh một cựu TT khi ông không có nhà, cùng với một đám luật sư của bộ Tư Pháp, lục tung khắp nơi, kể cả ngăn tủ quần áo lót của bà vợ ông Trump, tịch thu đâu 300 tài liệu 'mật'. Chẳng một ai ngoài đám FBI được chứng kiến những tài liệu được lấy đi từ đâu và bằng cách nào, có gì mật trong đó. Tất cả luật sư và gia nhân của Trump bị đuổi ra sân đứng chờ, không được chứng kiến việc FBI lục soát. Tất cả máy quay phim an ninh trong tư dinh bị bắt phải tắt hết, cấm thu hình FBI đang lục soát. Sau đó, nhiều tấm hình do chính FBI chụp được tung ra, không ai biết có phải do FBI dàn cảnh hay không. Vẫn lần đầu tiên, bộ Tư Pháp bổ nhiệm một công tố độc lập để điều tra thêm. Sau 6 tháng điều tra, lần đầu tiên, một cựu TT mà cũng là một ứng cử viên TT hàng đầu của đảng đối lập bị truy tố về tội hình sự ngay khi cuộc vận động tranh cử mở màn.

    Tất cả những cái 'lần đầu tiên' đó nghĩa là gì? Từ trước tới giờ đã có luật rồi, nhưng không ai áp dụng, chỉ bây giờ muốn bắt Trump đi tù để khỏi tranh cử với Biden nên mới phải lôi luật này ra. Những người nào trong đầu còn một nửa ly công tâm, cho dù còn ngoan cố tin tưởng chính quyền Biden rất công tâm, cũng phải lấy làm lạ. Phải đặt câu hỏi tại sao lại có loại luật chỉ áp dụng cho một mình ông Trump, không áp dụng cho 44 ông tiền nhiệm? Cũng chẳng áp dụng cho các ông phó TT như Biden và Pence.

    Bây giờ đi tới việc công tố Smith truy tố ông Trump. 

    Đây là chuyện lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ -lại lần đầu tiên- một cựu TT bị truy tố về một tội hình sự, vì một tội mà có thể tất cả các vị TT tiền nhiệm đều đã phạm, nhưng không ai biết vì không ai bị điều tra xem họ có làm những chuyện ông Trump đã làm hay không.

    Công tố Jack Smith là người khôn khéo tránh bày tỏ quan điểm chính trị cá nhân, nhưng bà vợ là người công khai hoạt động tích cực trong khối cấp tiến, triệt để ủng hộ đảng DC, từng làm phim tung hô bà Michelle Obama lên 19 tầng mây.

    Sau 6 tháng điều tra, công tố Smith truy tố ông Trump đúng một ngày sau khi hạ viện cho biết đã nhận được sự hợp tác của FBI để điều tra về chuyện Biden bị tố ăn hối lộ 5 triệu đô từ Burisma. Trùng hợp hay không, lái dư luận hay không, xin để quý độc giả tự phán xét.

    Việc FBI tận tình giúp bộ Tư Pháp vồ Trump không phải là 'lần đầu tiên' xẩy ra. 

    Mới đây, ngày 20/6/2023, công tố John Durham, người từng điều tra về nguyên nhân từ đâu đẻ ra chuyện cuội 'Trump thông đồng với Nga', ra điều trần trước hạ viện. Ông Durham cho biết năm 2016, CIA dưới quyền ông John Brennan do Obama bổ nhiệm, có được tài liệu và bằng chứng ban vận động tranh cử của bà Hillary sắp tung ra chiến dịch cuội tố Trump thông đồng với Nga. Báo cáo của CIA được nộp cho TT Obama và giám đốc FBI James Comey vì FBI là cơ quan chịu trách nhiệm chống tội phạm trong nước. Obama im re, không phản ứng. FBI vứt báo cáo vào nhà kho. Không bao lâu sau, bà Hillary tung ra tin Trump thông đồng với Nga thật. Ông Comey ra lệnh FBI mở ngay chiến dịch 'Crossfire Hurricane', điều tra... Trump! Bằng chứng bà Hillary phạm pháp do CIA cung cấp, FBI cho vào nhà kho. Tin đồn Trump phạm pháp do một phụ tá của bà đối thủ của Trump tung ra, FBI mở ngay cuộc điều tra Trump. Thế đấy, nhưng đừng ai so sánh hai việc này vì so sánh kiểu 'vậy chứ' hay 'thế còn' như cụ TVTích diễn giải, đó là tìm cách lái dư luận ra khỏi những tội của Trump đấy.

CẤP TIỂU BANG

    Rồi tới công lý cấp tiểu bang thì sao? Có hai chuyện đáng nhìn vào.

   Trở về quá khứ một chút, nhìn lại cuộc bầu TT năm 2020, ta sẽ phải bịt mũi để khỏi ngửi thấy mùi khét.

   Trong cuộc bầu năm 2016, ông Trump bất ngờ thắng, hạ bà Hillary tại các tiểu bang lớn ven Đại Hồ như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, là những tiểu bang DC, thành đồng của các nghiệp đoàn thợ thuyền thiên tả, luôn luôn bầu cho các ứng cử viên TT của đảng DC. Thắng khít nút. Rút bài học, cả ba tiểu bang này, tìm cách thay đổi thủ tục bầu cử. Ông Trump thắng khít nút, có nghĩa là chỉ cần  xoay chuyển một số nhỏ phiếu cũng đủ chiếm thắng lợi cho Biden.

    Ông trời xui khiến, đầu năm 2020, cả triệu tỷ vi khuẩn Vũ Hán ào ạt bay vào xứ Mỹ, người ta lăn ra chết như rạ, số bị nhiễm lên tới cả chục triệu. Cả nước cấm tụ họp, tránh lại gần nhau, bắt đeo khẩu trang, đóng cửa kinh doanh, đóng cửa trường học,...

    Mấy tay ma đầu chính trị DC, láu cá hơn người, nghĩ ngay đây là cơ hội ngàn vàng để thay đổi cách bầu TT cuối năm đó để chiến thắng. Tại Pennsylvania, thống đốc tung ra luật mới, thay đổi thủ tục bầu TT của tiểu bang, với những điểm chính như sau:

  1. Để tránh cảnh cả trăm, cả ngàn người tụ họp, xếp hàng tại phòng phiếu, không thể cách lý được, bầu cử bây giờ có thể thực hiện bằng cách ở nhà, bầu bằng thư, không cần đi tới phòng phiếu.
  2. Việc bầu bằng thư trước đây phải xin phép trước, có lý do chính đáng như bệnh nằm liệt giường, hay đi công tác xa khỏi nhà. Bây giờ vì tránh lây lan COVID, nên không cần lý do gì nữa, ai muốn bầu bằng thư chỉ cần xin phiếu bầu thư. Thậm chí, để giúp dân, chính quyền tiểu bang cũng ưu ái gửi luôn phiếu bầu tới từng nhà, chẳng cần ai xin.
  3. Hơn nữa, việc bầu bằng thư trước đây đòi hỏi phiếu bầu phải có 2 nhân chứng cùng ký tên. Viện cớ nhu cầu cách ly khó có thể mời hai người tới nhà chứng nhận phiếu bầu, điều kiện này bị bỏ, nghĩa là chẳng cần nhân chứng, chẳng ai kiểm soát lý lịch hay chữ ký người bầu nữa.
  4. Vì gửi thư mất thời giờ mà chẳng ai biết bưu điện có đủ người và phương tiện chuyển thư như thế nào, nên thay vì dân phải bầu đúng trong một ngày quy định trong Hiến Pháp, thì bây giờ, dân có quyền bầu cả tháng trước, cũng như cả tuần lễ sau ngày bầu cử chính thức. Hậu quả cụ thể nhất là nếu trong ngày bầu, ứng cử viên phe ta đếm phiếu thấy thua, trong cả tuần lễ sau, phe ta sẽ có thời giờ đi vận động kiếm phiếu tiếp tục cho đến khi thắng cử thôi.
  5. Đi vận động kiếm phiếu bằng cách nào? Luật mới dễ dãi tối đa cho việc Mỹ gọi là 'ballot harvesting', tức là đi gặt phiếu. Cả hai đảng đều đã dùng phương thức này từ lâu nay, nhưng một cách rất hạn chế, không có ảnh hưởng lớn trên kết quả bầu cử. Bây giờ đảng DC coi như đó là cách hết sức quan trọng để kiếm phiếu, khai thác tối đa. Thông thường, có rất nhiều người không đi bầu, như bệnh, lười đi xếp hàng, không thèm để ý tới chính trị, bận làm ăn, đi làm, ... Không ai để ý tới họ. Bây giờ, đảng DC cho người gọi là 'thiện nguyện' mang phiếu bầu đến tận nhà mỗi người, tuyên truyền, cỗ võ, hay cưỡng ép gia chủ và tất cả những người đủ tuổi bầu trong nhà phải bầu cho ứng cử viên đảng mình, rồi đề nghị giúp họ bầu bằng cách điền vào phiếu bầu họ mang theo sẵn, nếu người bầu mù chữ hay mù tịt chuyện chính trị, chẳng biết Trump hay Biden là ai, thì đám thiện nguyện sẽ điền đơn giúp họ luôn, giống như cán bộ Việt Minh đã từng giúp dân quê mù chữ bầu cho 'bác và đảng' vậy, rồi những người này mang từng thùng mấy chục hay mấy trăm hay mấy ngàn phiếu này tới nộp cho các phòng bầu. 

    Không cần phải là nhà thông thái gì, cũng thấy ngay cách bầu bằng thư hay gặt phiếu vô điều kiện, vô giới hạn, vô kiểm soát giúp dễ dãi việc gian lận phiếu như thế nào, mà trên căn bản pháp lý, chẳng tòa nào có thể phán có gian lận được. Ông Trump có đi kiện tới 'ông Trăng' cũng thua kiện.

    Ở đây, có chuyện cần để ý: theo luật khi đó của Pennsylvania, thống đốc KHÔNG có quyền thay đổi luật hay ra luật mới gì hết vì đó là quyền của quốc hội tiểu bang, nhưng thống đốc DC đã làm, lấn quyền của quốc hội. Quốc hội DC phe ta im re. Một nhóm dân biểu CH khởi kiện. Lên tới Tối Cao Pháp Viện tiểu bang. Ở đây, tuyệt đại đa số các thẩm phán là DC. Họ nhìn nhận việc này không đúng theo Hiến Pháp, tuy nhiên nhu cầu tránh dịch COVID cho phép thống đốc có quyền lấy những biện pháp đặc biệt này. Những thay đổi trở nên hợp pháp hoàn toàn vì luật mới do hành pháp ban hành, lập pháp không phản đối, và tư pháp chấp nhận. Hiến pháp nhìn nhận các tiểu bang có quyền ra luật riêng liên quan đến thủ tục bầu TT liên bang. Ông Trump chỉ có đi kiện củ khoai. 

    Theo gương Pennsylvania, hai tiểu bang Michigan và Wisconsin cũng làm theo. Kết quả như mọi người đều biết, ông Trump thua khít nút tại cả ba tiểu bang và thua luôn cả cuộc bầu, mất Tòa Bạch Ốc.

    Đó là chuyện cũ, chuyện 'sương mù' trong cuộc bầu cử TT năm 2020. Mới đây hơn là chuyện tiểu bang New York truy tố ông Trump.

    Công tố của New York, Alvin Bragg, khi còn ra tranh cử chức này, thì vận động kêu gọi đuổi chính trị ra khỏi tư pháp. Cử tri tin tưởng, bầu cho ông. Quyết định đầu tiên của ông là liệng tất cả các điều tra về Trump do ông công tố tiền nhiệm đã làm vào kho. Chấm dứt mọi điều tra về Trump.

    Không ai biết chuyện gì đã xẩy ra trong hậu trường sau đó, chỉ biết vài tháng sau, ông Bragg bất thình lình chuyển hướng 180 độ, cho mở lại tất cả các cuộc điều tra về ông Trump, đặc biệt truy tố ông Trump vi phạm luật bầu cử khi lấy tiền vận động tranh cử trả cho một cô đào phim sex để bịt miệng cô về chuyện ông đã ăn bánh với cô ta. Như thể muốn gỡ tội đã lỡ chấm dứt các điều tra về Trump, lần này ông Bragg hung hăng con bọ xít hơn xa ông tiền nhiệm. Điều tra vắn tắt, mau chóng, rồi bất ngờ truy tố ông Trump luôn đâu tới hơn ba chục tội liên quan tới chuyện 'ăn bánh trả tiền' này.

    Cái quái dị trong câu chuyện là ở 2 điểm:

  1. Thứ nhất, việc nghi ngờ tiền yểm trợ tranh cử của dân gửi tới được dùng vào việc không liên quan gì đến tranh cử, đã được bộ Tư Pháp liên bang và cả Ủy Ban Kiểm Soát Bầu Cử liên bang điều tra rất kỹ, và cả hai cơ quan này đều đã có phúc trình, với kết luận là ông Trump không có vi phạm luật bầu cử gì hết, không lấy tiền tranh cử trả cho cô đào phim sex, mà là trả bằng tiền riêng, qua luật sư riêng của ông.
  2. Thứ nhì, quan trọng hơn, là luật liên quan đến bầu TT là luật liên bang, không phải luật tiểu bang và tiểu bang không có quyền xía vào cuộc bầu cử TT liên bang. Kiểm soát tiền trong bầu cử TT là quyền của Ủy Ban Kiểm Soát Bầu Cử của liên bang, công tố tiểu bang không có quyền dính dáng vào.

   Dù vậy, công tố Bragg vẫn truy tố ông Trump vi phạm luật bầu cử. Công tố Bragg giải thích New York có luật bất cứ ai ra tranh cử chức vụ gì trong tiểu bang cũng bị cấm không được dùng tiền vận động tranh cử vào bất cứ mục chi phí nào khác. Ông Trump đã tranh cử trong New York, do đó, luật New York phải được áp dụng. Về điểm này thì tất cả các chuyên gia luật Hiến Pháp Mỹ đều bác bỏ quan điểm của ông Bragg, cho là ông này làm chuyện lạm quyền vớ vẩn. Ông Trump ra tranh cử TT liên bang không thể nào bị chi phối bởi cả mấy chục luật bầu khác nhau của năm chục tiểu bang, tùy hứng của mấy trăm công tố tiểu bang.

    Thây kệ, ông Bragg vẫn cứ tiến tới. Chẳng mất mát gì mà chỉ có lợi. Nếu thắng kiện, bắt nhốt được ông Trump thì ông Bragg sẽ thành... đại anh hùng của đảng DC, biết đâu sẽ có dịp dòm ngó Tòa Bạch Ốc? Hay được Biden bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện? Nếu thua, cũng hại được ông Trump, giúp cụ Biden thắng cử dễ dàng hơn, phải không?

    Nhìn vào những câu chuyện tiêu biểu trên, từ cấp liên bang tới cấp tiểu bang, một người tỉnh táo, không phe đảng, không thể không lo ngại cho tình trạng tôn trọng luật pháp trong xứ Mỹ hiện nay. Khi những người nắm quyền cùng một đảng, từ tổng thống tới chủ tịch hạ viện, tới lãnh tụ khối đa số trong thượng viện, tới các thống đốc, nghị sĩ, dân biểu tiểu bang, tới Tối Cao Pháp Viện tiểu bang, tới luôn cả các công tố cấp tiểu bang, tất cả đều bất chấp mọi luật hiện hành, chỉ nhất trí làm sao cho ứng cử viên Biden của đảng mình chiến thắng và ông Trump bị loại ra khỏi cuộc chạy đua. Khi có những chuyện này, hiển nhiên có cái gì không ổn, sai trái, mà hậu quả ngắn hạn là chiến thắng của phe nào mánh mung giỏi, trong khi hậu quả lâu dài là tiêu diệt thể chế dân chủ trong thành đồng dân chủ này, không hơn không kém.

    Hậu quả cụ thể đầu tiên là người dân đã mất niềm tin vào các cơ quan tư pháp, đặc biệt là FBI, khi theo thăm dò của Đại Học Harvard, 70% dân Mỹ tin FBI đã, đang và sẽ can thiệp vào các cuộc bầu TT. Cũng theo thăm dò của Harvard, việc công tố Smith truy tố ông Trump đã được đa số dân Mỹ nhận định như là chuyện mánh mung chính trị không hơn không kém:

  • 55% cho đây là hành động chi phối bởi chính trị;
  • 56% coi đây là can thiệp vào cuộc bầu cử TT năm 2024.

https://www.breitbart.com/politics/2023/06/17/harvard-poll-most-voters-say-trump-indictment-election-interference-believe-hell-be-acquitted/

    Người ta có thể nêu câu hỏi đây là tư thù cá nhân, hay đối lập chính trị thanh toán nhau, hay tranh dành quyền lực, hay đấu tranh ý thức hệ, hay bất cứ gì gì khác, nhưng vấn đề vẫn là việc quyền lực đã cho phép người ta ngồi xổm trên đầu luật pháp, không hơn không kém. Như Tây có câu "La loi du plus fort..." (Luật của kẻ mạnh nhất...).

   Đọc tới đây, bảo đảm cụ TVTích sẽ nêu chuyện cậu quý tử Hunter Biden cũng vừa bị truy tố, để chất vấn "Thế còn chuyện Hunter Biden bị tố thì sao? Thấy không, đúng là tư pháp Biden rất công bằng, không ai có quyền ngồi xổm trên luật pháp. Đến cả con đương kim TT cũng bị truy tố đấy!".

    Về câu chuyện cậu ấm Hunter bị truy tố, xin quý độc giả đọc thêm chi tiết trong trang Tin Tức tuần này, 24/6/2023.

   Ở cái xứ Mỹ ngày nay, không ai ngồi xổm trên luật pháp hết, ngay cả gia đình Biden cũng không ngồi xổm, chỉ... đứng 'tè' trên đầu luật pháp thôi.

    Cái tư pháp ta bàn ở đây chính là vấn đề chính trị hóa và vũ khí hóa tư pháp. Cái thứ luật pháp ở cấp quốc gia, tiểu bang và cả cấp địa phương, với hai ba tầng, hai ba lớp, hai ba kiểu luật, áp dụng tùy hỷ, tùy người đó, có khác, có khá hơn tình trạng luật pháp VC không? Có công bằng hơn không? Có mang tính đàn áp đối lập 'như nhau' không? Có xứng đáng với tư thế lịch sử của thành đồng thể chế dân chủ không? Có đáng để người dân thắc mắc không? 

    Trong câu chuyện luật pháp phe đảng này, cụ TVTích mới đưa lên cộng đồng bài cụ mới dịch (nghề của đám truyền thông loa phường Bolsa, chỉ có khả năng tìm Gú Gồ để dịch, chứ chẳng thể có khả năng có nhận định của chính mình) từ một tác giả bên Canada, cho rằng những người ủng hộ Trump, tìm cách bào chữa cho Trump bằng cách đánh lạc hướng dư luận, chuyển qua việc đặt câu hỏi "Thế còn Biden được đối xử như thế nào?". Đây là cái mà cụ TVT gọi là 'chủ nghĩa thế còn', dùng để lái dư luận ra khỏi những tội của Trump.

    Một trong những nguyên tắc nền tảng của công lý Mỹ là 'tất cả mọi người phải được đối xử nhu nhau, cùng một luật'. Nếu nguyên tắc này không được áp dụng, công khai có sự đối xử khác biệt, đó không phải là lý do chính đáng để đặt vấn đề, nhận định về công lý Mỹ vận hành sao? Hay việc đối xử khác biệt, có hai ba thứ luật áp dụng tùy hỷ, tùy người, tùy phe ta hay phe địch, là việc đúng phải làm, rất công bằng, cấm khiếu nại, cấm lái dư luận qua chuyện khác? Cấm so sánh? Cấm 'vậy chứ' hay 'thế còn'? 

DĐTC Vũ Linh

ĐỌC THÊM:

Bộ trưởng Garland thất bại - The Hill:

https://thehill.com/opinion/judiciary/4054455-the-utter-failure-of-merrick-garland/

Nghị sĩ CH tố FBI trong vụ điều tra Biden ăn hối lộ - Fox News:

https://www.foxnews.com/media/sen-kennedy-hits-fbi-doj-silence-biden-bribery-allegations-dog-bounty-hunter-couldnt-find-them

Nếu luật bắt Trump được áp dụng công bằng, thì vợ chồng Clinton đã bị tù - Fox News:

https://www.foxnews.com/media/levin-if-relevant-law-applied-to-trump-bill-clinton-would-be-doing-50-years-with-his-wife#&_intcmp=fnhpriver_12

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025