"Bọn mình chỉ có một ông cai"


 Trần Quốc Việt

 

 

Những năm tiểu học của tôi diễn ra trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Tôi nhìn thấy trên truyền hình hình  ảnh dân chúng Huế chạy giặc năm Mậu Thân rồi chẳng bao lâu sau đấy thấy cảnh khai quật những hố chôn tập thể ở Huế. Tôi từng chạy theo chúng bạn nhặt truyền đơn máy bay quân đội thỉnh thoảng thả trên bầu trời Đà Nẵng. 

Tôi nhớ mùa hè năm 1972 người tỵ nạn từ Quảng Trị tạm trú đông nghẹt trong các lớp học trường tiều học của tôi là trường Hồ Đắc Hanh. Tôi nhớ những ngày đầu mỗi niên học chúng tôi được phân phát bộ sách giáo khoa mới và những dịp được phát bánh mỳ và phần thưởng cuối năm học. Các thầy cô giáo chúng tôi luôn dạy chúng những điều hay lẽ phải. Chiến tranh không bao giờ được nhắc đến trong lớp học. Cho đến hôm nay sau hơn nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ bốn cầu đầu tiên của một bài học thuộc lòng trong lớp năm nào:

 "Tối nào ở cửa nhà tôi

Có hai thằng bé mồ côi ngủ nhờ.

Gối đầu bằng chiếc hộp bơ;

Khoác manh áo rách xác xơ tan tành."

 Rồi tôi vào lớp sáu trường trung học Phan Châu Trinh. Đến giữa năm lớp bảy cuộc chiến kết thúc tàn bạo và bất ngờ.

 Dù sao, nhìn lại tôi rất may mắn đã sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền giáo dục,dẫu rằng không trọn vẹn, của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi mang di sản nhân bản và văn minh căn bản  ấy đi vào tương lai mịt mùng và giông tố đang chờ mình và gia đình sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.

 Sau cuộc biển dâu bạn bè tiểu học của tôi đa phần phải vào vào đời sớm.Đôi lúc từ phương trời xa, qua một người bạn thời tiểu học, tôi biết tình cảnh kém may mắn của nhiều người trong cảnh hoàng hôn cuộc đời. Thời gian đã khắc những vết già nua và đau khổ trên nhiều gương mặt của những người bạn tiểu học ngày xưa.

 Cách đây một tháng, người bạn gọi qua. Câu đầu tiên là "Việt ơi, ông cai chết rồi!"

 Tôi bối rối hỏi: "Ông cai nào?"

 Bạn nói như trách:"Bọn mình chỉ có một ông cai thôi mà mi cũng không nhớ à?"

 Tôi nhớ rồi. Tôi nhớ những giờ ra chơi từ lớp một đến lớp năm chúng tôi thường chơi đùa trong sân rồi chạy đến nhà ông cai ở góc sân trường để mua bánh kẹo hay bút vở. Tôi nhớ hình ảnh ông cai đánh trống trường mỗi ngày. Một người nhỏ thó, hiền lành hầu như bọn học trò chúng tôi thời ấy không bao giờ sợ.

 Bạn tôi kể tiếp: "Tao tình cờ nghe ông cai chết liền gọi bọn chúng báo. Tao rủ bọn nó đến viếng và phúng điếu. Mỗi thằng hai trăm. Thằng nào không có thì  miễn. Có mặt là tốt rồi."

 "Được bao nhiêu đứa?"

 "Mười hai thằng tất cả."

 "Rồi sao?"

 "Bọn tao kéo đến mang theo vòng hoa ghi tên cựu học sinh niên khóa 1969-1973 trường Hồ Đắc Hanh kính viếng.Rồi mỗi thằng thắp hương. Thế thôi."

 Tôi im lặng vì xúc động. Tôi mường tượng ra hình ảnh những học trò tiểu học  giờ tóc  đã bạc nhiều cùng nhau đến viếng ông cai của trường tiểu học họ học ngày xưa.

 Bạn tôi nói tiếp: " Mà mi biết tao nói sao mà bọn nó đi hết không?"

 "Mi nói sao?"

 "Tao nói với bọn nó bọn mình có nhiều thầy cô giáo thời đó, nhưng chỉ có một ông cai duy nhất. Nghe vậy thằng nào cũng đi. Bọn mình chỉ có một ông cai thôi, mi thấy đúng không?"

 Tôi xúc động đáp: "Đúng rồi. Chỉ có một ông cai."

 Mấy ngày sau tôi cứ nghĩ về chuyện này và tự hỏi phải chăng xã hội, gia đình, đặc biệt nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công vai trò dạy dỗ và giáo dục những đứa bé của cách đây hơn năm mươi năm, mà hôm nay còn nhớ đến ông cai ở một trường học đã đổi tên.



Trần Quốc Việt









Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217