SAI LẦM CHẾT NGƯỜI

Vladimir Bukovsky



 

Trần Quốc Việt dịch

Một trong những mục đích được theo đuổi nhiệt thành nhất của công cuộc tẩy não về tâm lý và giáo dục của chế độ cộng sản Xô viết là làm cho công dân bất lực để phân hoá xã hội.

Thực vậy, anh nhốt người ta trong xà lim rồi nói với họ rằng vào đây rồi đừng mong thoát ra-đấy là hoàn cảnh rất điển hình. Trong đời thường sự bất lực này thể hiện dưới những hình thức nhẹ nhàng hơn; tuy nhiên chúng vẫn có thể gây hại nặng nề không kém.

Cứ xét đến khái niệm về “bầu cử“ của cộng sản thì rõ. Trong một lần đi tù tôi được thả ra, tôi nhớ là vào năm 1966,  vào lúc trùng với “bầu cử”.  Đi bầu hay không đi bầu là chuyện nhức đầu đối với hầu hết các công dân.

Anh sẽ không bị tống vào tù nếu anh không đi bầu, nhưng họ sẽ khiến cho anh cảm thấy rằng anh gần giống như là kẻ ngốc, kẻ ưa bắt lỗi và là hạng người nhỏ nhặt vậy. Họ làm điều ấy như thế nào? Những người làm công tác bầu cử ở địa phương đến gặp anh và nói như thế này:

“Đồng chí ơi, thôi thì cứ đi bầu đại cho xong. Anh dù gì cũng phải đi bầu thôi. Anh thông cảm cho chúng tôi, nếu anh không đi bầu thì chúng tôi buộc lòng phải quấy rầy anh đến tận nửa đêm. Như vậy, anh chỉ làm khổ chúng tôi chứ  đâu có làm khổ gì chính quyền, anh sao nỡ lòng nào làm như thế?  Mà bầu cử này cũng chả phải bầu cử của chúng tôichúng tôi cũng chẳng có bày vẽ ra bầu cử. Nhưng chúng tôi còn phải lo cho con cái ở nhà ăn uống nữa, cho nên nếu anh cứ làm khó chúng tôi thì làm sao chúng tôi có thể kịp về nhà lo cho con? ...”

Họ cứ nói mãi với anh chuyện vặt vãnh ích kỷ và sướt mướt này cho đến lúc anh không chịu đựng được nữa đành phải đi bầu vì anh rất bực tức và cũng vì thương hại cho những người đi vận động khốn khổ này.

Cũng trong trường hợp đặc biệt này, tôi đã nói với những kẻ đi tuyên truyền vận động đi bầu này rằng tôi thật sự không thể nào đi bầu cho chính quyền được-làm như thế là ngược lại với bản tính tôi và với tất cả niềm xác tín của tôi.

Họ nói cho tôi an tâm:

“Đừng có lo chuyện xác tín của anh. Chúng tôi hiểu những hoài nghi của anh. Nhưng xin anh cứ đi đến phòng bỏ phiếu rồi muốn viết bất kỳ gì vào lá phiếu cũng được”.

Thế là tôi miễn cưỡng đi bầu.

Đến nơi, tôi hỏi một cán bộ ở đấy:

“Tôi muốn bỏ phiếu chống thì làm sao?“

Ông ấy đáp: “Cứ gạch chéo cái tên in trên lá phiếu“

Thế là tôi mượn viết của ông ấy, gạch chéo tên của một ứng cử viên duy nhất, rồi bỏ lá phiếu vào thùng. Tôi cảm thấy rằng tôi đã bày tỏ sự bất bình. Nhưng tôi có thực sự bày tỏ chăng? Đáng lẽ ra tôi không nên chịu khuất phục. Đáng lẽ ra tôi nên nói, “Kệ mẹ các cuộc bầu cử giả dối của các người”. 

Nhưng đó là nơi con người Xô-viết trong tâm hồn tôi thắng tôi. Tôi đã chấp nhận hoàn cảnh này vì nó tưởng chừng như chẳng có thể nào thay đổi  và vì chế độ từ lâu đã khiến tôi trở nên bất lực.

Tôi thầm nghĩ, “Nếu mình từ chối đi bầu thì cũng chẳng thay đổi được gì”. Nghĩ như vậy là sai lầm chết người. Hai trăm triệu người nghĩ như vậy góp phần làm cho chế độ trường tồn.

---------------------- 

Vladimir Bukovsky (1942-2019) là nhà bất đồng chính kiến và là nhà hoạt động nhân quyền Nga nổi tiếng.

Nguồn: Trích dịch từ cuộc phỏng vấn Vladimir Bukovsky của George Urban đăng trong tạp chí Mỹ Encounter số tháng Một năm 1988, trang 16-17.

Tựa đề của người dịch.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180