Nguyễn Phương Hằng đã đổ lệ vẫn chưa thấy quan tài!

Nguyễn Phương Hằng đã đổ lệ vẫn chưa thấy quan tài!

Gió Bấc - Blog RFA
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” là khẩu ngữ mà người dân mượn hình ảnh những kẻ nghĩa chưa nhìn thấy cái chết nên chưa biết sợ. Câu này dùng để nói tới những người coi thường sự nguy hiểm, làm những việc cận kề với cái chết nhưng họ vẫn không biết sợ, bởi họ chưa biết đến cái chết là gì, đến khi hối hận thì đã muộn, hậu quả đã xảy ra.
Với nữ đại gia “cuồn cuộn” Nguyễn Phương Hằng, qua phiên tòa sơ thẩm, lãnh án ba năm tù, nước mắt đã rơi nhưng tội nghiệp thay đương sự vẫn chưa thấy được cái quan tài nguyên nhân, hậu quả. Chưa biết mình phạm lỗi gì, với ai, và ba năm tù vẫn chưa phải là hậu quả sau cùng.
Phiên tòa xử vụ nữ đại gia Phương Hằng có nhiều điểm vui, hay, mới lạ, đúng là chuyện vui chỉ có ở “xứ thiên đường”!
Phiên tòa kín, hở oái oăm!
Chửi lộn online, bị khởi tố điều tra theo điều 331 là chuyện hiếm hoi trong lịch sử tố tụng của loài người. Hồ sơ điều tra bị trả tới lui, quá tam ba bận, cân lên nhắc tới khởi tố bổ sung cũng hai ba lượt, kéo dài 18 tháng mới đưa ra xét xử.
Các nghệ sĩ họ Đàm, Vy Oanh, Hoài Linh, nhà báo Năm Mực (Đức Hiển) bị Phương Hằng vạch mặt chỉ tên, bị tố cáo thâm lạm, chiếm đoạt tiền từ thiện ít nhiều có dấu hiệu nhưng chưa đủ chứng cớ cấu thành tội, không được xem là bị cáo, cũng không là bị hại mà lừng lững sắm vai người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong tố tụng “xứ thiên đường” vai trò pháp lý này dễ bị chuyển hóa thành vai khác, ai cũng kêu oai oái đòi được làm người bị hại, tòa nhất định không cho.
Người tham gia chửi hàng xáo như nhà báo Hàn Ni, luật sư Đặng Anh Quân… dính chưởng cùng một tội danh 331 cũng là kỳ. Những nhân viên kỹ thuật đơn thuần bưng mâm dọn chén, bấm nút chuyển file lại bị tuyên đồng phạm, với vai trò giúp sức. Nếu theo logic ấy thì cả các công ty cung cấp đường truyền và các kênh youtube, các nền tảng xã hội chuyển tải các clip chửi nhau cũng phải xem là đồng phạm.
Trớ trêu là người đồng giường chiếu, đồng ngồi livestream với nữ đại gia hàng chục buổi lại thoát tội đồng phạm. Ngay sau khi xử xong, tòa cũng không biết ông này có phạm tội không nên ra cái kiến nghị mông lung, yêu cầu cơ quan điều tra xem xét!
Phiên tòa xét xử vụ thường phạm chửi lộn nhưng kín kẽ, long trọng như án an ninh quốc gia. Công an, dân phòng bảo vệ, rào chắn nhiều tầng nhiều lớp quanh tòa. Dân không được vô coi, báo chí tác nghiệp qua màn hình. Điều tra, truy tố kéo dài 18 tháng nhưng xét xử, tuyên án cái rụp trong một ngày làm các fan của hai phe và người hiếu kỳ chưng hửng mất hứng vì hạ màn quá sớm.
Phương Hằng, Hàn Ni: Kẽ phởn phơ, người xơ xác
Phiên tòa “thành công rực rỡ” khi tái diễn màn chửi mắng, đá xéo, đá đểu công khai giữa các phe. Sau 18 tháng nghỉ mát, người đẹp Phương Hằng ra tòa với vóc dáng phổng phao, thậm chí còn đẫy đà hơn lúc trước, dung mạo được make up chỉnh chu, thần thái tươi tỉnh không hề hom hem mệt mỏi như các bị cáo tội 331 khác. Ngay như cựu nhà báo Hàn Ni, dù bị bắt sau Phương Hằng nhiều tháng, số ngày tạm giam ngắn hơn nhưng dáng người gầy đi, vẻ mặt hốc hác thấy rõ. Chứng tỏ, hoặc Phương Hằng có chế độ cơm tù đặc biệt, hoặc người đẹp này hạp khẩu với cơm tù.
Trước tòa, khẩu khí của Phương Hằng dù có hạ nhiệt, phong thái dao búa có giản lược so với các buổi livestream, nhưng sự cao ngạo chua ngoa thì vẫn còn nguyên.
Phương Hằng khai lấy các thông tin trên trên mạng và một số bài báo, có nội dung kiểm chứng, có nội dung không. “Thực ra ban đầu bị cáo không biết mình vi phạm. Khi Công an TP HCM mời lên làm việc cũng không nói bị cáo vi phạm luật an ninh mạng. Bị cáo thấy trên mạng nhiều người mắng nhiếc nhau cũng không bị gì, nên có phần chủ quan“.
Luật sư hỏi tại sao khi không biết thông tin của mình có đúng sự thật hay không, bị cáo tiếp tục livestream, Phương Hằng không trả lời mà câu mâu, dấm dẳng “Tại sao, thì đứng đây rồi mà cứ hỏi tại sao. Về học thêm đi!”. Phương Hằng tận dụng quyền im lặng và được tòa tạo điều kiện để sử dụng quyền im lặng đó. Câu thần chú vạn năng của nữ đại gia này là “Mọi thứ đã được thể hiện trong cáo trạng rồi, đó là lý do tại sao tôi phải đứng tại phiên tòa này. Luật sư có đọc cáo trạng trước khi ra tòa chưa?” (1)
Phải nói rằng, trong nền tố tụng có “bình đẳng cao với bình đẳng thấp”, nữ đại gia “cuồn cuộn” đứng trước tòa đường bệ hiên ngang gấp vạn lần các bị cáo từng là quan chức đầu triều. Không chỉ xem các luật sư bảo vệ quyền lợi ca sĩ Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng như rơm rác, mà cả với quan tòa, Phương Hằng cũng gắt gỏng như những người bằng vai phải lứa. Chủ tọa hỏi, có hay không đồng ý xin lỗi những người liên quan tại tòa? Bà Hằng trả treo: “Đến nay bị cáo đã bị tạm giam gần 18 tháng. Bị cáo đã phải trả cái giá quá đắt. Một lời xin lỗi không là gì nhưng bị cáo cũng đã bị xúc phạm nhiều nên không thể xin lỗi“. Sau đó đá quả bóng cho tòa “chấp nhận mọi phán quyết của tòa” (2).
Đáp lại, tòa cũng hành xử hết sức “nhân văn”, nhẹ nhàng khuyên người đẹp không được đôi co với luật sư và luôn miệng nhắc tuồng rằng, bị cáo được quyền không trả lời.
Nhà văn Thu Trân đã dí dỏm, tự hỏi: “Nói trộm vía hội đồng xử án, chứ không biết bà Hằng có sân sau nào không, mà khi ra toà tưng tưng quá thể và có phần bất kính với mọi người chung quanh” (3).
Giá mà các bị cáo khác phạm tội theo điều 331 đều được quý tòa cho hưởng quyền bình đẳng cao, được không trả lời câu hỏi thẩm vấn, không bị răn đe là thái độ thiếu hợp tác, thiếu thành khẩn sẽ là tình tiết tăng nặng thì người dân ở nền tư pháp “xứ thiên đường” sẽ hạnh phúc biết bao.
Tòa không xao xuyến nước mắt giai nhân
Dù hiên ngang với các đối thủ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng sau khi nghe bị đề nghị mức án từ 3 đến 4 năm tù, trong phần tự bào chữa, “người hùng” Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần bật khóc, kể lể công lao.
Bị cáo biết ở ngoài xã hội còn rất nhiều người nghèo chờ đợi bị cáo. Bị cáo thiết tha mong muốn được trở về để giúp đời, giúp người. Bản thân bị cáo được sinh ra trong gia đình có giáo dục, bị cáo chưa bao giờ cãi nhau với ai cả, nhưng bị cáo đau khổ do bị biết bao nhiêu con người tấn công nên đã sai phạm. Bị cáo đã biết sai, xin tòa xem xét cho bị cáo sớm trở về làm việc kiếm tiền lo cho dân nghèo.
Bị tổn thương quá mức nên bị cáo mới có những lời lẽ như vậy, cũng do bị cáo uống rượu, do đau khổ, bị ức chế. Một mình bị cáo mà chống chọi với bao nhiêu con người. Bị cáo xin lỗi tất cả các cấp chính quyền, xin lỗi tất cả những người mà bị cáo đã vô tình hay cố ý đụng chạm.
Bị cáo là người có nhiều việc để làm chứ không phải rảnh rỗi để lên mạng xã hội dẫn đến ngày hôm nay. Bị cáo mong HĐXX thấu tình, đạt lý và hiểu được lòng bị cáo lúc nào cũng vì dân nghèo.
Quỹ mổ tim của bị cáo đã cứu hơn 3.000 trẻ em, đó là 1 bằng chứng thật sự. Xin HĐXX cho bị cáo được về để làm những điều bị cáo từng làm. Hôm nay bị cáo vô cùng ân hận” (4).
Vì sao người đẹp kể lể dễ thương vậy mà tòa vẫn không động lòng giảm án?
Dù nước mắt đã rơi, nhưng qua thái độ trước phiên tòa và nội dung đã bày tỏ lòng hối hận xin lỗi chính quyền, nữ đại gia Phương Hằng “chưa thấy được cái quan tài” là nguyên nhân hệ quả phải ngồi tù và sau khi ra tù.
Thiếu hiểu biết văn hóa xã hội, mù quáng về sức mạnh đồng tiền, thành công dễ dàng từ những mưu mẹo trong các quan hệ với thế giới quyền lực trước đây làm Phương Hằng không hiểu được tình thế, thực trạng của mình, vẫn hy vọng vào quan hệ với nhà nước cộng sản, dù bị xử thua trước Đức Hiển, Thủy Tiên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, vẫn lồng lộn không chịu xin lỗi Mít stờ Đàm, vẫn muốn ăn thua đủ với ca sĩ Vy Oanh trong phiên tòa khác.
Tội “người có khả năng ảnh hưởng”
18 tháng tĩnh tâm trong trại giam, Phương Hằng vẫn không hiểu được vì sao không bị xử về tội làm nhục người khác hay vu khống mà bị xử theo điều 331? Khi tòa giải thích với các luật sư của Đức Hiển, Đàm Vĩnh Hưng về tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan chứ không phải là người bị hại, Phương Hằng cũng không hiểu nốt.
Tòa đã xác định chủ thể mà Phương Hằng đã xâm hại ở đây là “các quan hệ xã hội, lợi ích nhà nước” chứ không phải là 10 đối tượng mà Phương Hẳng đã “chửi lộn”. Thật ra Phương Hằng đã “chửi trúng”. Nếu chửi sai thì đã phạm tội vu khống hoặc làm nhục người khác. Nếu chửi sai thì 10 đối tượng bị chửi đã được xác định là bị hại, chứ không phải người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cái vai trò pháp lý lưng lửng đó giống như sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu họ có thể chuyển hóa thành bị can, bị cáo bất cứ lúc nào, tùy theo ý muốn của cơ quan điều tra.
Hành vi thật sự để nhà nước “thương yêu” mà Phương Hằng vẫn hy vọng xuống tay, bắt giam, phạt tù, không phải là việc chửi. Bằng chứng là trong thời gian dài hơn một năm, nhà nước cho Phương Hằng chửi thả ga, không chỉ livestream, mà còn họp báo khua chiêng, giống trống. Không hề bị cúp điện như các đêm nhạc của Khánh Ly hay các ca sĩ hải ngoại.
Phương Hằng khai trước tòa, công an nhiều lần mời lên làm việc nhưng không hề nói Phương Hằng phạm luật An ninh mạng, thậm chí ngay trong cao điểm mùa dịch covid, Phương Hằng xuất quân đến Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hạch tội cụ Lê Tùng Vân, quy tụ hàng ngàn người hiếu kỳ, đã không bị xử phạt vi phạm 5 K mà bên ngoài có công an Đức Hòa bảo vệ, bên trong xe có hai đại tá đi cùng (5).
Tính về công thì Phương Hằng có hai đại công với đảng, nhà nước.
Công thứ nhất, đắp đập, be bờ, khóa kín dòng tiền cứu trợ của xã hội chảy ra cửa tư nhân, lùa hết gà này vào túi Mặt Trận Tổ Quốc độc quyền tiếp nhận. Một chủ trương lớn mà đảng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhưng chưa thực hiện được. Qua vạ miệng từ cái loa Phương Hằng, niềm tin của người dân vào giới văn nghệ sĩ những nhà từ thiện tư nhân sẽ giảm sút. Sợi dây thòng lọng “người có liên quan” treo lơ lửng trên đầu Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên… cũng làm những người tâm huyết phải chùn tay.
Công thứ hai, Phương Hằng đã khuếch đại tối đa làn sóng vu cáo Thầy Ông Nội Lê Tùng Vân và Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ để công an dễ bề tung đòn dứt điểm khởi tố, bắt giam, sau mấy năm dài ủ mưu, tìm cớ.
Công lớn nhưng tội cũng không phải nhỏ. Tội lớn nhất của Phương Hằng cũng giống như Thiền Am là, có quá nhiều người hâm mộ. Với chế độ cộng sản thì tiền bạc, lợi ích vật chất có thể chia sẻ được, nhưng niềm tin, quyền lực chính trị thì không. Gần 50 năm sau chiến tranh, quyền lập hội vẫn nằm im trong Hiến Pháp và mãi mãi nằm im. Ngay tổ chức xã hội phi chính phủ rất hữu ích trên toàn thế giới như Hướng Đạo Sinh từng được ông Hồ Chí Minh đứng ra làm chủ tịch danh dự, lại không được phép tồn tại. Hội Chữ Thập đỏ được phép hoạt động, do đã quốc doanh hóa, được đảng lãnh đạo hoàn toàn.
Ngay các tổ chức bình phong do đảng lập ra để tuyên truyền, dụ khị người dân, như Mặt Trận Giải Phóng, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Đảng Xã Hội, Đảng Dân Chủ… khi xong việc, đều được cho “hoàn thành nhiệm vụ”. Đảng phòng xa và tiêu diệt những cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng đến đông đảo công chúng từ trong trứng nước.
Thiền Am nổi tiếng vì các kênh youtube đạt nút vàng, nút bạc, các chương trình văn nghệ có hàng triệu lượt view, lại không đầu phục “triều đình” giáo hội quốc doanh.
Phượng Hằng có hàng vạn fan cuồng, hàng triệu lượt view qua các livestream. Phương Hằng lại ngắn não, ảo tưởng về sức mạnh tiền bạc, mối quan hệ thân quen với anh này, anh khác, nên nói năng quýnh cướng, tố cả chị Doan, Phó Chủ Tịch Nước, lấy 10 tỉ mổ tim xài chuyện khác, cờ đèn kèn trống kéo quân ra Bắc, đầu đơn với bác Trọng, hò hét kể công với anh Mãi, tội đáng chết gấp trăm lần. Án 3 năm là có châm chước rất nhiều cho giai nhân phồn thực.
Lời khuyên không dành riêng cho Nguyễn Phương Hằng về bài học chọn bạn mà chơi. Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín. Phải biết “quan tài” để không “đổ lệ”.
Chú thích:
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180