Vở Kịch Chống Tham Nhũng Đã Đến Hồi Kết ?
Vở Kịch Chống Tham Nhũng Đã Đến Hồi Kết ?
Chống ai, ai chống?
Mỗi khi người dân Việt Nam kêu than về nạn tham nhũng, hệ thống quan chức tuyên giáo, hệ thống chính trị lập tức lên giọng giải thích rằng: Ở đâu chẳng có tham nhũng, đâu chỉ mỗi Việt Nam. Ở Việt Nam đảng chẳng đã và đang ra sức chống tham nhũng quyết liệt, không có vùng cấm đấy thôi.
Họ nói không sai về nạn tham nhũng ở đâu cũng có, cơ chế nào, thể chế nào cũng đều có tham nhũng, khi sinh ra quyền lực và lạm dụng được quyền lực, thì sẽ nảy sinh ra tham nhũng.
Tuy nhiên, nếu giải thích rằng ở đâu cũng có tham nhũng, và tham nhũng ở đâu cũng như nhau, thậm chí giải thích như Nguyễn Phú Trọng rằng ngày cả cha con Đường Tăng đến Tây Thiên để thỉnh kinh còn phải hối lộ chiếc bát bằng vàng mới lấy được kinh, để cho rằng, tham nhũng ở Việt Nam cũng như nạn tham nhũng ở những nơi khác, những đất nước khác trên thế giới, thì đó là hoặc nhầm lẫn do thiếu hiểu biết, hoặc là sự tháu cáy lập lờ đánh lận con đen.
Hẳn nhiên, tham nhũng, ở đâu thì cũng đều là sự lạm dụng quyền lực để tư túi, tham ô tài sản công, chiếm đoạt làm của riêng cho mình những tài sản không thuộc về mình được hưởng cách công chính.
Thế nhưng, cách tham ô, phương thức, điều kiện để tham ô và nhất là cơ chế, phương cách xử lý trước, trong và sau khi tham nhũng lại mỗi nơi một khác. Càng khác hơn, đó là cơ chế sinh ra, tiêu diệt hay phát triển, nuôi dưỡng nạn tham nhũng.
Nạn tham nhũng ở những đất nước có chế độ chính trị minh bạch, dân chủ, văn minh, nếu có, thì chỉ là hiện tượng cá biệt, không phổ biến của một số cá nhân, một số thành phần thuộc thiểu số và đặc biệt, cơ chế giám sát, quản lý, và sự minh bạch sẽ hạn chế tối đa nạn tham nhũng, phát hiện và loại trừ tham nhũng trong đời sống xã hôi.
Ngược lại, nạn tham nhũng sẽ là chuyện bình thường, sẽ không có thuốc chữa, nếu nó nảy sinh trong môi trường độc tài, toàn trị về quyền lực, thiếu minh bạch, công khai và nhất là những môi trường thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra, thiếu nền báo chí tự do, công dân không có quyền tự do ngôn luận…
Đặc biệt, tham nhũng tại Việt Nam không chỉ là một vấn nạn, mà từ hiện tượng đã trở thành “Quốc nạn” như lời của các lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đã thừa nhận.
Bởi tham nhũng, đã trở thành mục tiêu và là động lực của hệ thống đảng viên hiện nay. Hầu như, những lá đơn vào đảng, những cánh tay giơ lên rất mạnh mẽ, những lời thề hứa rất to, rất dõng dạc khi kết nạp đảng, đều ẩn giấu đằng sau đó nội dung: Tìm kiếm một cơ hội tham nhũng khi tham gia vào “Đảng cầm quyền”.
Tham nhũng đã trở thành không chỉ mục tiêu, động lực trở thành đảng viên, mà còn là môi trường, điều kiện để cán bộ, đảng viên làm việc. Bởi những lĩnh vực, những nơi khó khăn để tham nhũng, hoặc không có cơ hội để tham nhũng thì những nơi đó rất… khó có thể có người làm. Trái lại, thị trường quyền lực, thị trường quan chức rất rầm rộ, rất sôi nổi như những trận đấu giá ngầm với những chiếc ghế béo bở, đầy quyền lực có thể đem đến cơ hội nhận hối lộ, tham nhũng…
Thế nên, câu chuyện đặt ra gọi là “Chống tham nhũng” mà đảng phát động mấy chục năm nay, để càng chống, tham nhũng càng phát triển mạnh mẽ đến mức nạn tham nhũng đã trở thành phổ biến, thành “Quốc nạn” là câu chuyện bi hài, nhiều tập và càng ngày càng lộ rõ là một trò lừa đảo không hơn, không khém.
Bởi tham nhũng nảy sinh, lớn lên, phát triển vững chắc theo đà độc tài của đảng, theo quy mô và mức độ chiếm giữ quyền lực của đảng đến đâu. Khi quyền lực của đảng là tuyệt đối, thì tham nhũng cũng là hiện tượng phổ biến tuyệt đối.
Thế nên, khi tham nhũng chính là đảng, thì câu hỏi đặt ra khi hô hào chống tham nhũng rằng: Chống? Chống ai? Ai chống?
Chuyện xưa như trái đất và… thành tích.
Nói rằng tham nhũng là chuyện của mọi chế độ, thì ở Việt Nam, thời kỳ phong kiến, thực dân, chuyện tham nhũng, nếu có cũng chỉ là những hiện tượng lẻ tẻ và luật lệ đã nhanh chóng dập tắt hoặc hạn chế hiện tượng đó.
Cho đến khi người Cộng sản vào đất nước này cướp chính quyền và giữ chiếc ghế cai trị. Chuyện “Chống tham nhũng” vốn là câu chuyện đi theo lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyện chính quyền Việt Nam tham nhũng đã không còn là câu chuyện gây chú ý đối với người dân, nó đã diễn ra triền miên, trường kỳ suốt chiều dài lịch sử đảng. Nó được manh nha, nảy nở từ khi đảng xuất hiện và rồi nó cùng đi theo nhịp phát triển của đảng, nó nẩy sinh, phát triển mạnh mẽ cùng với nhu cầu củng cố sự cai trị của đảng trên cổ người dân bằng mọi cách, mọi biện pháp.
Và câu chuyện chống tham nhũng ban đầu gây ngạc nhiên, đến nay, nó đã trở thành chuyện hài.
Bởi đi cùng với một cái gọi là kỷ luật, khởi tố đảng viên, là hàng tỷ, chục tỷ tiền của và tính mạng của người dân đã bị bòn rút, đã bị phá hoại.
Bởi đi cùng với một ủy viên Trung ương đảng, một ủy viên Bộ Chính trị, một viên tướng tá… kỷ luật hay khởi tố, vào tù là hàng trăm, hàng ngàn tỷ tiền của dân đen đã bị cướp, bị phá.
Và đi cùng một tổ chức đảng bị kỷ luật, là cơ đồ, tài sản và tương lai của một vùng, một ngành, một lĩnh vực đã bị nhấn chìm hàng chục năm hoặc không còn lối thoát để đi đến tương lai.
Điều hài hước, là qua 10 năm của hai nhiệm kỳ đó thì đảng vẫn xây dựng được 250 văn bản “Xây dựng đảng” – Đây cũng là nguồn cơn của sự độc tài và là nguồn gốc vững chắc cho sự tham nhũng trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).
Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1.700ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân.
Báo cáo cho biết đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng do tham nhũng, điều đó cũng có nghĩa là đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền tham nhũng bị cướp mất bởi đảng viên. Bởi theo con số của Mặt trận thì cứ phát hiện được 10 đồng bị tham nhũng thì chỉ thu được 3 đồng.
Còn trong thực tế, thì cứ 100 đồng bị tham nhũng may ra phát hiện được 1 đồng.
Vậy con số tiền của của người dân bị cướp đoạt, bị phá hoại là con số bao nhiêu? Ai có thể tính nổi những con số này?
Thoái trào!
Sau mấy chục năm diễn trò chống tham nhũng, hối lộ, ăn cắp, phá hoại của nội bộ đảng CSVN thì bệnh tham nhũng đã không hề bị suy suyển, mà ngược lại, nó càng “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc” như lời hô hào của đảng bấy lâu nay.
Tham nhũng, hiện nguyên hình là căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam hiện nay. Nó có nguồn gốc và được nuôi dưỡng, được phát triển mạnh mẽ trên nền tảng sự độc tài của đảng CSVN. Vì vậy, tham nhũng tại Việt Nam là đặc tính riêng có, là sản phẩm của riêng Đảng CSVN.
Bởi vậy, sẽ rất có lý khi người ta nói rằng: Tham nhũng, là căn bệnh, nhưng là nguồn gốc, mục đích và là cơ sở cho sự tồn tại của đảng. Không phải 100% đảng viên đều tham nhũng. Nhưng đã tham nhũng thì đúng là đảng viên ĐCSVN.
Và chính Nguyễn Phú Trọng đã huỵch toẹt ra rằng: “Chống tham nhũng, nghĩa là ta chống ta
Hẳn rằng qua gần hết mấy chục năm ngồi lê lết trên các ghế lãnh đạo đảng và nhà nước, Nguyễn Phú Trọng hẳn còn nhớ được những câu ông ta nói ra sang sảng như chuông đồng về đạo đức, tư cách của đội ngũ lãnh đạo do ông ta chọn phải như thế nào. Nào là “coi cán bộ và công tác cán bộ là "cái gốc của mọi công việc", "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", "then chốt của then chốt" (Nguyễn Phú Trọng nói về phương án nhân sự khóa 12).
Rằng: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như:.. tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải”.
Thế nên, tiêu chuẩn đảng viên nhất là Ủy viên BCH Trung ương phải: “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi…”
Thế rồi, những con số vừa nêu trên, là câu trả lời rất xác đáng và rất hùng hồn cho những lời lẽ sáo rỗng đến mức lừa bịp của Nguyễn Phú Trọng.
Và con số đó vẫn chưa dừng lại, vẫn cứ tăng với tốc độ phi mã. Cứ nhìn vụ “Chuyến bay Giải Cứu”, “Việt Á” và “Đăng kiểm” gần đây, người ta sẽ thấy hệ thống công quyền hiện tại nhưng cái thây ma đã thối rữa trương phình, hễ động đến đâu mà lớp da bong ra, thì dòi bọ lúc nhúc đổ ra hàng đống ở đó.
Và chống tham nhũng, chỉ là việc nhặt đi vài con dòi bọ, sâu mọt trên cái xác chết thối rữa đó mà thôi.
Điều hài hước ở đây, là những cái mà đảng đang nêu lên như những “thành tích chống tham nhũng” bằng những con số đảng viên bị kỷ luật, bị tù… thì đó cũng là bản cáo trạng dành cho đảng, là bản ghi những tội ác mà với vai trò độc tài, đảng đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Thế rồi chừng như đã biết mình bất lực trước phong trào mạnh mẽ, lan rộng đến mọi ngành, mọi cấp mọi đảng viên, mọi chi bộ của nạn tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng từng bước giơ tay đầu hàng.
Với những quy định bằng mồm, bằng những suy nghĩ bất chấp cái gọi là luật pháp, Nguyễn Phú Trọng tự ý quy định cho đảng viên “Đã nhúng chàm thì xin nghỉ việc, hoặc trả lại tiền” thì được tha.
Và đã có hàng loạt cán bộ cấp cao xin nghỉ việc để ôm đống tài sản đã có được.
Và đảng dùng cái gọi là Tòa án, mục đích của quan tòa là khảo tiền, và khi đã nộp lại một phần tiền bị phát hiện do tham nhũng, thì tội trạng khỏi bị truy cứu.
Và đó là những biểu hiện của sự đầu hàng sau một thời gian dài hò hét và lên gân lên cổ rằng “Chống tham nhũng bằng mọi giá quyết liệt, không có vùng cấm…”.
Xin thưa, một khi nguồn gốc tham nhũng là sự độc tài, là quyền lực được tập trung vô hạn vào tay đảng, mà không đào tận rễ, trốc tận gốc được, thì chuyện chống tham nhũng chỉ là chuyện lừa đảo, hài hước.
Nhận xét
Đăng nhận xét