Về Một Câu Nói Của Trương Công Định

Về Một Câu Nói Của Trương Công Định

Nguyễn Gia Việt

Nói về Trương Công Định (1820-1864), từ ngày còn tiểu học, trong sách giáo khoa sau 1975 được dạy rằng Trương Công Định khước từ lời dụ của hoàng đế bãi binh rút khỏi Gò Công, ông theo dân ở lại “kháng chiến” và dân phong ông làm “Bình Tây đại tướng quân”.



Nhiều nhà sử học sau 1975 nói Trương Công Định trả lời thơ cho đô đốc Bonard rằng: "Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc Chúng Ta“. Câu nói này được khắc bia để trong đền thờ Trương Công Định ở Gò Công và chép dạy học trò trong sách giáo khoa. Nếu mà xét kỹ thời thấy Trương Công Định sẽ không thể và không có nói câu này.

Tại lăng Trương Công Định ở Gò Công, ở phía sau bàn thờ ông Trương Công Định là bàn thờ và bài vị của bà Trần Thị Sanh. Bài vị ghi là: “Truy tặng phấn dõng đại tướng quân, Ngũ Quận công, Trương Công như phu nhân Trần Thị Sanh chi vị”. Bàn thờ bà Sanh nằm phía sau tấm hình của Trương Công Định, quay mặt vô bàn thờ chánh của ông phía sau. Ở đây kỳ lạ chỗ là không thờ bà chánh thất Lê Thị Thưởng.

"Ngũ Quận công, Trương Công như phu nhân" nghe rất danh giá. Trương Công Định có tước "Quận Công" do vua Tự Đức ban tặng. Thành ra từ Trương Định người ta đọc thành Trương Công Định.

1. Trương Công Định

Trương Định (1820-1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, tục kêu Quản Định.

Quản Định gốc Quảng Ngãi, là con trai ông lãnh binh Trương Cầm, ông đi theo cha vô nhận chức ở Gia Định. Trương Định cưới con một nhà hào phú Tân Hòa (Gò Công) là bà Lê Thị Thưởng. Sau khi Trương Cầm qua đời. Trương Định ở lại quê vợ làm chức "quản cơ" binh đồn điền. Sau khi đại đồn Chí Hòa bị phá tan thì Quản Định kéo quân về Gò Công lập căn cứ kháng Pháp.

Ngày 20-8-1864, Trương Công Định bị Pháp bắn chết tại Gia Thuận do sự chỉ điểm của Đội Tấn. Có tài liệu ghi. Trước lúc Trương Định chết, ông nói: “Thằng Tấn, mày phản bội dẫn quân Pháp vào đây bắt tao. Tao sống chẳng giết mày, chết cũng vặn họng mày!”

Đội Tấn nói: “Bẩm quan lớn, tôi đem quan lớn về đầu Tây. Gió chiều nào, theo chiều ấy. Quan lớn đầu hay không đầu cũng bắt!”. Trương Định liền trả lời: “Mày coi tao đầu nè Tấn!”, rồi rút gươm tử tiết.

Nhưng có tài liệu nói Quản Định bị bắn lòi ruột chết. Pháp đem xác ông về phơi nắng thị uy tại nhà lồng chợ Gò Công hai ngày hai đêm, sau đó bà vợ thứ là Trần Thị Sanh đã lấy xác chồng đem về tổ chức đám ma trọng thể, chôn cất ngay trên miếng đất của gia đình bà. Huỳnh Công Tấn được Pháp trọng thưởng, phong chức Lãnh binh đứng đầu đám lính mã tà Gò Công bổn xứ.

2. Trần Thị Sanh là ai mà bài vị ghi là "Ngũ Quận công, Trương Công như phu nhân" nghe rất danh giá?

Bà Trần Thị Sanh sanh ngày 7/1/1820 và mất ngày 21/12/1882, là con gái thứ sáu của Bá hộ Trần Văn Đổ và bà Phạm Thị Phụng (1782-1875). Bá Hộ Trần Văn Đổ từng là thơ ký trong dinh Tả quân Lê Văn Duyệt. Bà Phạm Thị Phụng là em gái út ruột của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng là thân sanh của bà Phạm Thị Hằng (Hoàng Thái hậu Từ Dũ). Suy ra bà Trần Thị Sanh là em con cô cậu ruột với Hoàng Thái hậu Từ Dũ.

Bà Trần Thị Sanh được gã chồng ở Tân Tây là ông Bá Hộ Dương Tấn Bổn, sanh hạ được một con gái tên Dương Thị Hương. Ông Bổn qua đời, bà Sanh nuôi con và nhờ kinh doanh giỏi mà trở nên một người giàu có nhứt nhì Gò Công.

Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Công Định ( Quản Định) rút quân đồn điền của mình về cố thủ ở Gò Công năm 1861, lúc đó ông 41 tuổi còn khá trẻ. Để tiếp tục cuộc kháng Pháp và che mắt quân Pháp nhằm tiếp tục nhận sự hỗ trợ của triều đình, tại Gò Công Trương Định đã cưới bà Trần Thị Sanh làm vợ thứ hai.

Bà Sanh gá nghĩa với ông Trương Công Định và giúp chồng khởi nghĩa chống Pháp, như là người coi hậu cần. Vì đã tái giá cho nên sau khi chết bà Trần Thị Sanh không được thờ chung với ông Dương Tấn Bổn. Bà Trần Thị Sanh là người đàn bà đứng phía sau lưng chồng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, bà là sứ giả của triều đình Huế với ông Trương Công Định, bà lo hậu cần, góp tiền của, quyên vật chất, nói chung là làm kinh tài cho chồng.

Với địa vị là em bà Từ Dũ nên bà làm rất tốt vai trò này. Thành ra câu: "Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc Chúng Ta“ là không đúng, từ ngữ nghĩa tới hoàn cảnh. Trương Công Định không bao giờ dám thốt ra câu ”Triều đình Huế” vì ông là bầy tôi của triều đình và là con cháu hoàng gia.

Sau khi ký xong Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, Pháp chiếm đóng và cai trị ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vua Tự Đức một mặt phải làm theo hiệp ước là rút quân, nhưng trong lòng vẫn nấn ná đất Gò Công quê ngoại là nơi có mả mồ tổ tiên. Nhà vua đã bí mật phái Trương Công Định ở lại. Chính dòng họ Phạm Đăng của bên ngoại vua và bà vợ thứ Trần Thị Sanh là dì họ của vua đã trực tiếp nuôi dưỡng và làm kinh tài cho Trương Công Định.

Ông Trương những năm 1861–1863 đóng quân trực tiếp tại gò Sơn Qui, trong chính cái nhà thờ của Đức quốc công Phạm Đăng Hưng chống Pháp. Đọc hai hai câu thơ trong 12 bài thơ điếu Trương Công Định của Đồ Chiểu để thấy ông Trương đóng quân ở Sơn Qui:
        "Mây giăng Truông Cóc đường quan vắng
        Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan"

Cái chức “Bình Tây đại tướng quân” là có thực, nhưng không phải dân phong mà là vua Tự Đức phong bí mật. Nhà họ Phạm và họ Trần không thể kháng lịnh nhà vua. Nhưng sẽ không tìm ra tờ chiếu của vua phong vì bí mật, không dấu vết vì sợ Pháp lấy làm bằng chứng triều đình vi phạm hiệp ước.

Sau khi Trương Công Định chết, bà vợ thứ thất Trần Thị Sanh đã nhận thi hài của ông mang về an táng rất trọng thể. Bà xây mả lớn bằng hồ ô dước, trên bia mộ khắc: ”Đại Nam, An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương công húy Định chi mộ.” Nhưng Pháp đã đục bỏ hàng chữ “Bình Tây Đại Tướng Quân” và phạt vạ bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì lập bia trái phép.

Mấy chục năm sau, cháu ngoại bà Sanh là bà Tám Điệu, vợ Đốc Phủ Hải làm bia, sửa mả lại, lần này có danh "Quận công”. Bia đề: ”Đại Nam thần dõng, đại tướng quân, truy tặng Ngũ Quân, Ngũ Quận Công Trương Công Định chi mộ". Sau khi chết vua phong quận công, nhưng cũng bí mật, đố ai tìm ra tờ sắc.

Còn văn bia "Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc Chúng Ta“, có chữ "Tổ Quốc" là quá hiện đại. Ngày xưa không xài chữ “tổ quốc”, tổ quốc là một từ xuất hiện từ những năm 1930-1945. Ngày xưa nho gia xài 山河社稷 (San hà xã tắc) hoặc "giang san” để chỉ quốc gia. Vua Tự Đức làm bài thơ “Vịnh Lê Lai” có câu:
        "Tha nhựt Đông Đô tân xã tắc
        Khẳng giao Kỷ Tín độc an Lưu?"

Tại mả Trương Công Định ngày nay còn câu đối ở hai bên hông chánh cũng xài chữ san hà:
        "San hà thu chánh khí
        Nhựt nguyệt chiếu đan tâm"

Có nghĩa là:
        "Núi sông thu chính khí
        Nhựt nguyệt chói lòng son"

Đại từ “chúng ta” trong thơ Trương Công Định gửi đô đốc Bonard cũng viết sai ngữ nghĩa. Viết "chúng ta” khi trả lời thơ tức là Trương Công Định thuộc phe của Bonard, nếu chính xác phải viết là “chúng tôi” hoặc "nghĩa quân của tôi".

Kết luận:

Thiệt tức cười khi cái câu: "Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc Chúng Ta“ treo bên hông đền thờ Trương Công Định, mà bài vị thì ghi nhận cái tước "Quận Công".

Câu “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta“ có khả năng là một câu của sử gia cộng sản sau này bịa đặt ra, rồi nhét vô miệng nhân vật lịch sử Trương Công Định nhằm hướng ông Trương phải chửi nhà Nguyễn, rồi thành “kháng chiến nhân dân” theo chủ ý.

Nhưng rốt cuộc, Trương Công Định từ phía trong đã là người nhà của triều đình vì ông là dượng của vua Tự Đức, vì không có triều đình hà hơi tiếp sức thì không có ông Trương Công Định...!

Nguyễn Gia Việt
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180