Rừng Và Nước

Rừng Và Nước
Rừng điêu tàn là tổ quốc suy vong - Họa Sỹ BaBui

Chu Mộng Long

Báo chí đưa tin Quốc hội phê duyệt dự án biến rừng nguyên sinh thành hồ thủy lợi và tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến thi công. Dù không phải là nhà chuyên môn, nhưng bằng trải nghiệm về vấn đề môi sinh, mọi người không thể không lên tiếng.

Theo trang Chính phủ, "Năm 2022, diện tích rừng bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%". Thực chất, khái niệm "rừng" ở Việt Nam chẳng giống ai, vì chỉ có "cây rừng" hoặc phủ một loại cây bạch đàn hoặc keo. Nếu đảm bảo "rừng là một tổng thể các cây gỗ, cây bụi, cây cỏ, động vật và vi sinh vật" thì Việt Nam chẳng còn bao nhiêu, chưa nói sự phân bố cục bộ, chỉ còn lại ở một số địa phương.

Rừng trồng một loại cây bạch đàn hay keo chỉ tồn tại thời gian ngắn, sau khi khai thác phải trồng lại. Loại rừng này phá hoại môi sinh, hủy hoại đất màu và đặc biệt là gây cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước.

Quê tôi sau 1975, dù bị Mỹ rải chất độc hóa học, nhưng rừng vẫn xanh um và đủ loại chim chóc, thú vật hoang dã. Ba con suối hợp lưu lại thành dòng sông không bao giờ cạn. Sau thời hợp tác xã, vương quốc Bỉ hỗ trợ đầu tư làm một con đập lớn tưới tiêu cho đến mấy cánh đồng rộng lớn. Con đập nằm ở cách xa chân núi để đảm bảo hàng ngàn héc ta rừng bao quanh. Rừng chính là nơi cung cấp, điều tiết nước cho con đập. Các cánh đồng ở vùng này trồng lúa và hoa màu cả bốn mùa.

Đùng một cái, từ những năm đầu thế kỉ 21, anh em nhà các quan huyện, quan xã thi nhau chiếm rừng trồng bạch đàn và keo. Rừng núi bị tàn sát không thương tiếc. Tất cả những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn sạch. Từ trên đỉnh núi xuống các vạt rừng chỉ còn lại toàn bạch đàn và keo. Đến nay một con chim cũng không tồn tại. Các con suối cạn hết nước và bị lấp hẳn. Cái hồ nước mênh mông thành trơ đáy. Nó chỉ chứa được nước vào mùa mưa, hết mưa là hết nước. Đồng ruộng hiện tại chỉ trồng lúa được một mùa.

Mất rừng là mất đất, vì không có rừng đất sẽ bạc màu. Mất rừng là mất nước, vì không có rừng các mạch nước bị khô kiệt. Mất rừng là mất toàn bộ sự sống.

Những cây keo, bạch đàn chỉ mang lại lợi ích cho bà con quan huyện quan xã. Còn dân thì nghèo đói quanh năm. Làng xóm xơ xác, chỉ còn lại người già. Trai trẻ bỏ làng đi hết.

Tôi vẫn còn nhớ trước đó, dù đến mùa gió nam, không khí ở đây vẫn rất dễ chịu. Hơi thở của rừng và hơi nước từ cánh đồng làm cho gió không khô khốc như những nơi khác. Nhưng mấy chục năm nay, mỗi lần gió nam, không khí ở đây khô khốc và nóng ran như ở sa mạc.

Cả tuổi thơ của tôi gắn với từng vạt rừng, con suối, vậy mà bây giờ mỗi lần về quê không còn nhận dạng ra đó là quê hương của mình. Tôi cứ giả định, cái thời trước 1975, nếu rừng quê tôi như bây giờ, cán bộ cộng sản không chỉ không có chỗ trú thân mà còn chết đói chết khát chứ không cần địch truy quét. Một thời "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" (Tố Hữu) mà nay chủ trương tàn phá rừng là sự phản bội Mẹ rừng, tội không thể tha thứ!

Bình Thuận, Ninh Thuận có khí hậu khốc liệt, nhưng theo tôi, người dân sống được là nhờ rừng. Nếu một ngày kia, hàng trăm héc ta rừng bị tàn phá như quê tôi, tôi dám chắc khí hậu ở đây còn khốc liệt hơn. Dự án làm hồ chứa nước mà phá 600 ha rừng nguyên sinh thì lấy nước từ đâu? Chỉ chứa nước mưa vào mùa mưa thôi ư? Trồng lại rừng ư? Nếu trồng rừng tự nhiên đúng nghĩa đa dạng sinh thái thì mất mấy trăm năm? Còn trồng keo hay bạch đàn là một thảm họa. Dân Bình Thuận, Ninh Thuận chắc chắn phải sống với sa mạc.

Tôi không kêu gọi Quốc hội mà kêu gọi chính quan chức địa phương tự điều chỉnh dự án. Nếu là người con của quê hương, xem rừng như một phần máu thịt của mình, hãy bảo vệ rừng hơn là biến nó thành một dự án lợi bất cập hại.

Làm hồ thủy lợi là cần thiết. Nhưng phá rừng để làm hồ thì đó là cái hồ rỗng của lòng tham vô đáy nuốt chửng rừng và sự sống của người dân...!

Chu Mộng Long
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025